3.21.2017

Hồi ức về những ngày tháng đi tìm nhạc - Dòng nhạc Đức Huy

Bạn,

Khi mới định cư tại Hoa Kỳ năm 1990, tôi bắt đầu tìm cách mua nhạc Việt để nghe. Lúc đầu là những băng cassettes, rồi sau này mua những tape đó lại với dạng CD. Thời đó có lẽ là thời điểm hoạt động mạnh nhất của các trung tâm âm nhạc hải ngoại như Diễm Xưa, Tình, Làng Văn, Thúy Nga, v.v. Thói đời cái gì mới, hay là bị cấm nghe ở quê nhà thì đương nhiên là phải tìm tòi, sưu tầm để nghe cho nó đã. Thế là tôi bắt đầu một cuộc du hành vào dòng âm nhạc trữ tình - nhạc Vàng - của miền Nam Việt Nam trước 1975, và dòng nhạc hải ngoại tiếp nối sau 1975.

Với vốn liếng nghe được, cảm thụ được từ quê nhà với các ban nhạc như ABBA, the Bee Gees, Cyndi Lauper, Madonna, Michael Jackson, Lionel Richie, George Michael,v.v. cái tai của tôi đã biết kén chọn, nhạc phải phối hay mới chịu nghe, cỡ như các bài Careless Whisper, Hello (của Lionel, dĩ nhiên, không phải Adele!), I Just Called To Say I Love You, Woman In Love, v.v. Khi mới định cư ở miền Đông Hoa Kỳ, gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn, sáng nào tôi cũng phải đi xe bus học tại thành phố Alexandria, cách Arlington một giờ xe bus. Trong những ngày tháng đầu tiên đó, người bạn đồng "bus" với với tôi không ai khác hơn là cái Walkman với các tape nhạc của trung tâm Diễm Xưa. Có một tape nhạc tôi rất thích, có tên là Cõi Tình. Những tác giả Việt Nam như Trịnh Công Sơn (Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu), Đức Huy (Em Đi, Thoáng Mây Bay, Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố) đứng chỉnh chu bên cạnh các bài "nhạc ngoại" khác như Cõi Tình, Tình Đến Rồi Đi, Ngây Ngất Bên Anh. Càng nghe tôi càng chạnh nhớ quê nhà vừa thoát nạn, nơi tiếng Việt là tiếng nói hàng ngày, còn ở vùng đất mới này không dám mở miệng, nghe tiếng người ta thì cũng không kịp, mà nói ra thì cũng ấm ớ.

 


Từ khi "move" qua Cali cũng năm 1990, tôi bắt đầu "rị mọ" làm quen với nhạc hải ngoại. Khi đó, khu thương xá Phước Lộc Thọ đã rất sầm uất, có đủ món ăn chơi, riêng tôi thích nhất là một nhà sách (Văn Khoa) nay đã đóng cửa, và tiệm nhạc Bích Thu Vân nay đã đổi chủ. Một hai năm đầu thì mua cassettes, sau đó vài năm chuyển qua mua CD luôn. Càng viết tôi càng nhớ những thứ xa xỉ phẩm thời "tiền" internet, khi mà những bản nhạc hay bạn chỉ nghe được khi bạn mua được CD rồi sàng lọc lại, chứ đâu có download vô tội vạ như bây giờ. Kỹ thuật "burn" CD cũng chưa có, nếu muốn có một bộ sưu tập nhỏ thì phải thâu từ CD qua cassettes, làm gì có mp3 format. Nhưng có lẽ vì khó khăn như vậy, nên các tiệm như Tower Records hay Virgin Records, và các trung tâm âm nhạc mới có đất sống và phát triển mạnh mẽ. Sách vở cũng vậy, Borders, Crown Books. Những cái tên đó đã chìm vào dĩ vãng vì bị phá sản, bởi thời internet bằng cách nào đó đã làm họ không còn đủ khả năng cạnh tranh và kinh doanh.

Raymond Lefèvre's orchestral music: timeless or will be forgotten?

 In this short article, the author hopes that if readers have heard the orchestral music of Raymond Lefèvre (abbreviated: RL), they will rem...