6.01.2022

Vài cảm xúc về bản dịch mới nhất của Leaqua, bài Michele (Gerard Lenorman trình bày)

Bạn,



Nếu bạn theo dõi blog tôi khoảng chừng một năm nay, bạn sẽ thấy tôi hay giới thiệu những bản dịch của bạn Leaqua, một đọc giả trang hoctroviet khoảng chừng một năm rưỡi nay. Với lòng yêu thích nhạc nói chung, nhạc ngoại quốc nói riêng của thời 70-80, cộng với một tâm hồn yêu thơ, hiểu thơ, và nhất là một sức sáng tạo bền bỉ, đều đặn, 10 tháng vừa qua Leaqua đã cho ra đời khoảng trên 52 bài dịch lời Việt. Tức trung bình một bài một tuần! Các bài dịch rải đều từ nhạc của nhóm The Beatles, ABBA, The Carpenters, The Bee Gees, rồi đến nhạc Pháp, nhạc Mỹ, v.v.



Leaqua có gom lại lời Việt, lời gốc cũng như Youtube videos để bạn có thể hát theo ở trang này:



http://nhacloiviet-leaqua.blogspot.com/



hay nếu bạn muốn xem các bài dịch mới, cũng như vài dòng chia xẻ về xuất xứ và nguồn cảm hứng để sáng tác lời nhạc, thì mời bạn vào trang này:



http://leaqua.blogspot.com



Với bản dịch mới nhất "Michele" của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Gérard Lenorman,  ( http://leaqua.blogspot.com/2011/09/michele-gerard-lenormand.html ) Leaqua đã một lần nữa chứng tỏ tài nghệ chuyển lời xuất sắc qua những lời ca diễn tả những cung bậc tình cảm trinh nguyên của tuổi mới lớn, xen lẫn những mất mát, muộn phiền và chua xót của một tình yêu đầu đã chìm vào kỷ niệm. Cái lạ của cách đặt lời của Leaqua là sự giản dị của câu hát, đọc thoáng qua mà không hát lên thì sẽ thấy có vẻ là tầm thường, nhưng khi khe khẽ hát theo, bạn mới cảm được cái tài tình của cách đặt những chữ "đắt" ở những nốt nhạc cao trào (cũng như xuống trào.)







***












Grand Palais thênh thang chân bước vui
Tuổi mười lăm ngơ ngác đón sớm mai
Làn tóc vờn gió thoáng hương
Cho ai nhớ thương?






Ngay ở đoạn đầu, Leaqua đã chuyển dịch một câu tầm thường đi với nhạc "Tu habitais tout près, du Grand Palais" (em là cô "láng giềng", ở gần khu Grand Palais) thành hai câu "Làn tóc vờn gió thoáng hương Cho ai nhớ thương?" Thoáng hương mà đi với nhớ thương thì đúng quá rồi còn gì?



Vô tư tung tăng con phố xưa
Gặp em mỗi sớm trưa chuyến tàu quen
Ngồi bên nhau
Làm quen với em
Ta cười vu vơ wớ wơ




Trong đoạn tiếp theo, ta thấy sự giản dị, vô tư của nét nhạc cũng như lời gốc - và lời dịch - được thể hiện một cách thật nhẹ nhàng, trình tự. Đi tàu xe điện ngầm chung, ngồi bên nhau, hoặc nhường chỗ cho người đẹp, maybe?, thì làm quen là chuyện tất nhiên rồi, có mất mát gì đâu một lời chào buổi sáng tươi đẹp bonjour của người tây phương? rồi cười vu vơ với nàng ?



Michèle !
Tình ngỡ đã rất xa
Chiếc hôn ban sơ vụn bỡ ngỡ
Tay em run khẽ rất nhanh
Ngọt như chocolat
Nồng say em với ta




Đoạn điệp khúc tiếp tục mô tả thật tài tình ngôn ngữ, cảm xúc của những người yêu và được yêu với những "ban sơ", "vụn", "bỡ ngỡ", "run khẽ", một thế giới trong đó chỉ có hai người "nồng say em với ta". Những nốt nhạc với lời ca tưởng như chỉ dành riêng cho thế giới Pháp ngữ, qua lối dịch tài tình của Leaqua đã mặc một tấm áo Việt, rất hiện đại mà cũng rất riêng tư, và nhất là chuyển tải thật đầy đặn cái giai điệu ray rứt, đầy hối hả ở đầu điệp khúc mà cũng rất khoan thai ở cuối câu ("em với ta")



Em xinh em tươi trên mỗi bước chân
Nụ hoa dang cánh nhỏ tím bâng khuâng
Mười bảy mùa xuân hát ca
Em đến với ta

Ngây thơ như trang giấy trắng tinh
Là ánh mắt sáng trong mỗi bình minh
Ngồi xem phim
Chuyện vui mãi quên xem Marilyn




Đoạn hai tiếp tục kể về chuyện tình của đôi tình nhân trẻ, sự trong trắng tinh khôi của họ thể hiện rõ nét bằng hai ý tưởng "Ngây thơ như trang giấy trắng tinh, Là ánh mắt sáng trong mỗi bình minh" Đối với chàng, người đẹp bốc lửa Marilyn Monroe trên phim kia thì có thấm chi nếu so sánh với người đẹp đang ngồi bên cạnh? Chỉ tiếc là Leaqua bỏ sót mất điển tích "Yesterday" là bài hát của nhóm The Beatles, mà Leaqua cũng đã nhắc qua về thiếu sót đó trong phần ý kiến bạn đọc.



Michèle !

Ngày đó em lãng quên?

Tuyết rơi

Cho môi tìm môi mãi

Cho trinh nguyên cuống quít trao

Rồi mai tóc sẽ phai

Mùi hương em gửi ai...



Trong điệp khúc thứ hai, những "chiếc hôn ban sơ vụn bỡ ngỡ" của điệp khúc một đã chuyển thành một nhịp điệu hối hả, "Cho môi tìm môi mãi Cho trinh nguyên cuống quít trao," xen lẫn một cảm giác sợ hãi cho tình yêu của ngày sắp tới, "Rồi mai tóc sẽ phai, Mùi hương em gửi ai..." Ý tưởng thật là Việt Nam, đó là "rồi mai tóc sẽ phai" cũng như khéo léo nhắc lại cái mùi hương thoáng qua trong gió ở phiên khúc một. Những chi tiết nhuộm màu sắc Âu Châu như tuyết rơi trên nóc nhà, rồi ngủ say bên nhau như trong một câu chuyện xưa của Pháp mà tôi đã quên tên đã được Leaqua khéo léo lược bỏ.



Thu đi qua đi xa đã mấy thu
Trời Paris u ám tiếng mưa xa
Em đã là khúc hát xưa
Đau phút tiễn đưa

Em bên ai cho tim anh giá đông
Ngồi bên suốt chuyến xe không là em
Ngồi bơ vơ
Cà phê đắng trên môi từng phút nhớ

ĐK
Michèle !
Ngày đó đã rất xa
Phố xưa vẫn vẫy chào ta nhớ
Hôm qua xa như giấc mơ
Tàu hôm nay vắng em
Mình ta nhớ với ta

Michèle !
Ngày đó đã rất xa
Chuyến xe chẳng chở tình em mãi
Hôm qua xa như giấc mơ
Tàu hôm nay vắng em
Mình ta nhớ với ta
...........
Ngày đó đã rất xa...






Trong đoạn ba này, những chi tiết vui tươi, đầy kỷ niệm của hai đoạn đầu đã được Gerard nhắc lại thật tài tình, và được Leaqua phóng tác sang Việt ngữ cũng tài tình và đầy tính sáng tạo không kém, với những hình ảnh như "Trời Paris u ám tiếng mưa xa", rồi nhất là Em đã là khúc hát xưa. Ồ! Yesterday có đó chứ, nhưng đã được mang một ý nghĩa khác, vì em chính là "Yesterday", để anh ngậm ngùi hát "Mình ta nhớ với ta". 




Leaqua có biệt tài sáng tác lời nhạc buồn, có lẽ vì thế người viết bài này đã tìm cách đa dạng phong cách sáng tác đó bằng cách nhờ Leaqua dịch bài nhạc vui vui, xen lẫn tí buồn man mác như bài Michele này. Vậy mà khi mô tả cái sự buồn, Lequa cũng "thảy" vào được một chữ buồn mà cũng thật "đắt", đó là chữ đau trong "Đau phút tiễn đưa", ngắn gọn thôi mà đầy đủ vô cùng. Chắc lần tới người viết bài sẽ tìm một bài vui thiệt vui như bài "All You Need Is Love" (của The Beatles) chăng? Cho Leaqua hết dịp bỏ những câu buồn ;-)






Tàu hôm nay vắng em 

Mình ta nhớ với ta



Cái CODA day dứt này thật là một kết thúc "mở", tạo nhiều cảm xúc cho người nghe, và đó cũng là một trong những "tuyệt chiêu thức" cần phải có của người dịch nhạc giỏi, phải biết cách viết những câu bỏ ngỏ như vậy, để người nghe có chỗ tự do tưởng tượng theo ý mình ...



Bài viết đã dài, hoctro phải đi làm. Xin dừng bút và hẹn bạn bài viết tới.



Ngày cuối tháng 9, 2011



Hoctro



***



Tái bút: viết xong bài này rồi tôi mới chợt nhớ là bài do Didier Barbelivien sáng tác, ông này cũng là ca sĩ nữa và hát nhiều bài cũng rất hay. Trước đây, tôi có đăng một video ông hát ở trang nhạc Pháp:








Xin cáo lỗi cùng bạn đọc là tôi nhớ nhầm Gerard Lenorman là người sáng tác.



Nhân tiện tôi muốn đăng thêm một video của hai ca sĩ mà tôi rất ngưỡng mộ, Gerard Lenorman và Marie Laforêt.





Vài cảm nghĩ về nhạc thuật của nhạc sĩ Lê Uyên Phương

... Chỉ một lần nghe, ta cũng có thể cảm thấy ngay đó là những khúc ca được sáng tác với cảm hứng âm nhạc đích thực, nhưng đó là một cảm giác không làm dáng và cũng không làm ra quá đáng, mà độ lượng, như là cố ý cầm lại vừa với tầm ngậm ngùi, ngao ngán của kiếp sống ...

... Tiếng nói mới đó, những "chansons de sanglot" đó, không biểu tỏ gì khác hơn là hạnh phúc ái tình giống như một hòn đảo mịt mù sương trong cơn giông thời đại. Bởi vậy mà ta nghe thấy nhiều đau đớn, nhiều nức nở đến thế. Chẳng phải là niềm đau mê man, mà là niềm đau sáng suốt: mắt mở thật lớn, ta nhìn nó đi thẳng vào tim ta đau nhói. Đó là tại sao những melodies đau đớn của PHƯƠNG - nơi ta có lẽ đã bắt lại được một machochisme huy hoàng - luôn luôn ở mode majeur. Cái "buồn majeur" là cái buồn sâu thẳm nhất trong âm nhạc có chủ âm.Và đó chính là "thú đau thương" đơn và thuần vậy ....

Cung Tiến
Sàigòn 20-2-1970

Đó là những lời thật trân trọng của nhạc sĩ Cung Tiến chia sẻ cảm nghĩ của ông về dòng nhạc Lê Uyên Phương (LUP), được đăng lại ở bìa sau tập nhạc Lê Uyên Phương - Khi Loài Thú Xa Nhau. (Toàn bộ tập nhạc này cũng như tập nhạc Yêu Nhau Khi Còn Thơ đã được gia đình nhạc sĩ cho ấn hành trên mạng lưới toàn cầu ở đây: http://www.leuyenphuong.com/tapnhac/khiloaithuxanhau.htm )




Thật vậy, mười bẩy trên hăm hai ca khúc của hai tập nhạc đó đều nằm ở cung trưởng, mà lại là cung trưởng tươi sáng như Do Trưởng, Sol và Re trưởng, chứ rất ít bài ở thể buồn buồn Fa trưởng, còn tuyệt nhiên là ông không dùng hai dấu giáng Si bemol trưởng. Đây là một nghịch lý cần phải được làm sáng tỏ về mặt nhạc thuật. Trưởng thì thường thường là vui, tại sao trong nhạc Lê Uyên Phương nó lại trở nên buồn sâu thẳm, thậm chí đau đớn, nức nở, mà cũng lại vừa rất huy hoàng - như nhạc sĩ Cung Tiến đã phê bình?

Thật ra một vài ghi chú nho nhỏ sau đây cũng chẳng thể nói lên được nhiều về dòng nhạc, nhưng nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy cách thức khai triển cũng như cấu trúc bài nhạc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương phức tạp hơn nhiều so với các nhạc sĩ cùng thời, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) chẳng hạn. Một đoạn phiên khúc của một bài nhạc thường không chỉ đơn giản là một loạt những tịnh tiến của một cung nhạc (Tình Nhớ - TCS), hay một khai triển đơn thuần của một ý nhạc nào đó (Nắng Thủy Tinh - TCS). Các câu nhạc cũng có độ dài không bằng nhau, như 8 8 8 8 trong phiên khúc của Diễm Xưa (TCS) chẳng hạn. Nhạc Lê Uyên Phương gập ghềnh, các câu nhạc có độ dài khác nhau, cách phát triển câu nhạc cũng thay đổi theo từng bài chứ không theo một khuôn mẫu nhất định. Trong phiên khúc, nhiều khi nhạc sĩ đổi từ Trưởng sang Thứ thật lạ kỳ như trong bài Đá Xanh, hay chuyển đoạn nhỏ Re thứ xen kẽ giữa điệp khúc Re Trưởng và phiên khúc cũng Re Trưởng của Đêm Chợ Phiên Mùa Đông . Hay nhất là các cấu trúc (song system) của bài nhạc. Sau đây là một vài thí dụ về sự đa dạng: 

- Buồn Đến Bao Giờ : ABA'CA, 
- Kỷ Niệm Trong Chiều : AA'BA''C, 
- Nỗi Buồn Dâng Hiến : ABA', 
- Một Ngày Vui Mùa Đông /  Còn Nắng Trên Đồi / Hết Rồi Những Ngày Vui: AABA, 
- Đêm Chợ Phiên Mùa Đông hay Vũng Lầy của Chúng Ta:: AABCA 
- Không Nhìn Nhau Lần Cuối : ABCAB
- Dạ Khúc Cho Tình Nhân : AABC
- Đá Xanh ABABAB

v.v.

Ngoài ra, cái tựa đề của bài nhạc cũng góp phần không nhỏ vào việc "loãng hóa" nhạc LUP nữa. Các tựa bài của ông hầu như cũng chỉ là định nghĩa sơ sài về nội dung bài hát, chứ không theo kiểu mẫu của nhạc pop. Trong nhạc pop, tựa bài phải nằm ở hai chỗ chiến lược là đầu bài hoặc cuối bài, và phải được lặp đi lặp lại ở điệp khúc, nhằm để người nghe nhớ bài nhạc dai hơn. Tựa bài trong nhạc Lê Uyên Phương phớt lờ một cách cố ý khái niệm tựa bài đó. Thậm chí trong bài nhạc Chiều Phi Trường, cả bài nhạc không có một chi tiết nào tả cảnh phi trường hay phi cơ, nếu nhạc sĩ để tựa là Chiều Quán Trọ nghe cũng rất thích hợp :)

Những chi tiết nho nhỏ vừa kể trên, nếu gom góp lại vào một bài sẽ tạo nên một không khí lãng đãng, rời rạc, có lẽ vì thế mà góp phần vào cái sự buồn đau đớn chăng?

Lời nhạc của Lê Uyên Phương cũng góp một phần rất đáng kể tạo nên nét nhạc riêng biệt của dòng nhạc này. Trong nhạc của ông, người nam và người nữ là một hiện hữu, gắn bó vào đời nhau: "tôi với em, dương trần vai tiễn đưa", "ta từng thương mến nhau ... em đành quên lãng sao?", "em ơi, xin em nói yêu thương đậm đà". Khi nói lời chia ly cũng phải là hành động rất rõ ràng "Em ơi Em ơi quay đi để cho chia lìa lần này dài phút xót xa". Ông cũng sử dụng rất nhiều các hình ảnh trăng, sao, mây trời, v.v để nói lên tâm trạng, như nhiều nhạc sĩ cùng thời. Riêng vấn đề "mây trời" trong nhạc của ông cũng khá dài để thừa sức làm một tiểu luận phân tích. Khác với quan niệm thường gặp về nhạc LUP là nhạc của ông có vẻ wild, man dại, thậm chí có nhiều "dục tính", tôi thấy nhạc của ông có nhiều bài thật thanh khiết, cao sang, thật đẹp như "Mình ngồi ngắm mây trời, tuổi hồng đã xa vời", "khi em bước đến bên tôi, lời chim tưng bừng", "nầy anh ơi suối reo sườn đồi, nầy chim ơi reo mừng cuộc đời ghi tên", "vì đâu mê say phồn hoa, như áo gấm sáng lóng lánh", v.v. và v.v.

Dòng nhạc Lê Uyên Phương thật say đắm, có thật nhiều điều cần phải được phân tích để tìm kiếm, để đồng cảm, để thấy sự thông minh trong cách tạo dựng một bài nhạc để tạo một ấn tượng, vu vơ hay say đắm, hồn nhiên hay ưu tư, buồn thoáng qua hay buồn muôn thuở. Hy vọng sẽ có một  hay nhiều dịp khác nữa để tôi phân tích từng bài nhạc một cách cụ thể hơn và cùng bạn hiểu thêm về nhạc thuật của người nhạc sĩ đa tài Lê Uyên Phương.

Học Trò
5-2011

Tái bút: Mời bạn nghe một số bài nhạc LUP qua giọng ca Thiên Phượng và hòa âm của nhạc sĩ Duy Cường:


Tái bút #2: Mời bạn xem tiếp bài kế, trong đó tôi phân tích nhạc phẩm đầu tay Buồn Đến Bao Giờ của nhạc sĩ Lê Uyên Phương : http://hoctroviet.blogspot.com/2011/05/vai-cam-nghi-ve-buon-en-bao-gio-ban.html

Học Trò: Lại bàn về cách tạo dựng một ca khúc

Trong một số tiểu luận trước đây, tôi góp nhặt những gì mình tự học hỏi, mong tìm ra một phương thức để sáng tác một bản nhạc. Khởi đi từ nh...