Bạn,
Nếu bạn theo dõi blog tôi khoảng chừng một năm nay, bạn sẽ thấy tôi hay giới thiệu những bản dịch của bạn Leaqua, một đọc giả trang hoctroviet khoảng chừng một năm rưỡi nay. Với lòng yêu thích nhạc nói chung, nhạc ngoại quốc nói riêng của thời 70-80, cộng với một tâm hồn yêu thơ, hiểu thơ, và nhất là một sức sáng tạo bền bỉ, đều đặn, 10 tháng vừa qua Leaqua đã cho ra đời khoảng trên 52 bài dịch lời Việt. Tức trung bình một bài một tuần! Các bài dịch rải đều từ nhạc của nhóm The Beatles, ABBA, The Carpenters, The Bee Gees, rồi đến nhạc Pháp, nhạc Mỹ, v.v.
Leaqua có gom lại lời Việt, lời gốc cũng như Youtube videos để bạn có thể hát theo ở trang này:
http://nhacloiviet-leaqua.blogspot.com/
hay nếu bạn muốn xem các bài dịch mới, cũng như vài dòng chia xẻ về xuất xứ và nguồn cảm hứng để sáng tác lời nhạc, thì mời bạn vào trang này:
http://leaqua.blogspot.com
Với bản dịch mới nhất "Michele" của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Gérard Lenorman, ( http://leaqua.blogspot.com/2011/09/michele-gerard-lenormand.html ) Leaqua đã một lần nữa chứng tỏ tài nghệ chuyển lời xuất sắc qua những lời ca diễn tả những cung bậc tình cảm trinh nguyên của tuổi mới lớn, xen lẫn những mất mát, muộn phiền và chua xót của một tình yêu đầu đã chìm vào kỷ niệm. Cái lạ của cách đặt lời của Leaqua là sự giản dị của câu hát, đọc thoáng qua mà không hát lên thì sẽ thấy có vẻ là tầm thường, nhưng khi khe khẽ hát theo, bạn mới cảm được cái tài tình của cách đặt những chữ "đắt" ở những nốt nhạc cao trào (cũng như xuống trào.)
***
Grand Palais thênh thang chân bước vui
Tuổi mười lăm ngơ ngác đón sớm mai
Làn tóc vờn gió thoáng hương
Cho ai nhớ thương?
Ngay ở đoạn đầu, Leaqua đã chuyển dịch một câu tầm thường đi với nhạc "Tu habitais tout près, du Grand Palais" (em là cô "láng giềng", ở gần khu Grand Palais) thành hai câu "Làn tóc vờn gió thoáng hương Cho ai nhớ thương?" Thoáng hương mà đi với nhớ thương thì đúng quá rồi còn gì?
Vô tư tung tăng con phố xưa
Gặp em mỗi sớm trưa chuyến tàu quen
Ngồi bên nhau
Làm quen với em
Ta cười vu vơ wớ wơ
Trong đoạn tiếp theo, ta thấy sự giản dị, vô tư của nét nhạc cũng như lời gốc - và lời dịch - được thể hiện một cách thật nhẹ nhàng, trình tự. Đi tàu xe điện ngầm chung, ngồi bên nhau, hoặc nhường chỗ cho người đẹp, maybe?, thì làm quen là chuyện tất nhiên rồi, có mất mát gì đâu một lời chào buổi sáng tươi đẹp bonjour của người tây phương? rồi cười vu vơ với nàng ?
Michèle !
Tình ngỡ đã rất xa
Chiếc hôn ban sơ vụn bỡ ngỡ
Tay em run khẽ rất nhanh
Ngọt như chocolat
Nồng say em với ta
Đoạn điệp khúc tiếp tục mô tả thật tài tình ngôn ngữ, cảm xúc của những người yêu và được yêu với những "ban sơ", "vụn", "bỡ ngỡ", "run khẽ", một thế giới trong đó chỉ có hai người "nồng say em với ta". Những nốt nhạc với lời ca tưởng như chỉ dành riêng cho thế giới Pháp ngữ, qua lối dịch tài tình của Leaqua đã mặc một tấm áo Việt, rất hiện đại mà cũng rất riêng tư, và nhất là chuyển tải thật đầy đặn cái giai điệu ray rứt, đầy hối hả ở đầu điệp khúc mà cũng rất khoan thai ở cuối câu ("em với ta")
Em xinh em tươi trên mỗi bước chân
Nụ hoa dang cánh nhỏ tím bâng khuâng
Mười bảy mùa xuân hát ca
Em đến với ta
Ngây thơ như trang giấy trắng tinh
Là ánh mắt sáng trong mỗi bình minh
Ngồi xem phim
Chuyện vui mãi quên xem Marilyn
Đoạn hai tiếp tục kể về chuyện tình của đôi tình nhân trẻ, sự trong trắng tinh khôi của họ thể hiện rõ nét bằng hai ý tưởng "Ngây thơ như trang giấy trắng tinh, Là ánh mắt sáng trong mỗi bình minh" Đối với chàng, người đẹp bốc lửa Marilyn Monroe trên phim kia thì có thấm chi nếu so sánh với người đẹp đang ngồi bên cạnh? Chỉ tiếc là Leaqua bỏ sót mất điển tích "Yesterday" là bài hát của nhóm The Beatles, mà Leaqua cũng đã nhắc qua về thiếu sót đó trong phần ý kiến bạn đọc.
Michèle !
Ngày đó em lãng quên?
Tuyết rơi
Cho môi tìm môi mãi
Cho trinh nguyên cuống quít trao
Rồi mai tóc sẽ phai
Mùi hương em gửi ai...
Trong điệp khúc thứ hai, những "chiếc hôn ban sơ vụn bỡ ngỡ" của điệp khúc một đã chuyển thành một nhịp điệu hối hả, "Cho môi tìm môi mãi Cho trinh nguyên cuống quít trao," xen lẫn một cảm giác sợ hãi cho tình yêu của ngày sắp tới, "Rồi mai tóc sẽ phai, Mùi hương em gửi ai..." Ý tưởng thật là Việt Nam, đó là "rồi mai tóc sẽ phai" cũng như khéo léo nhắc lại cái mùi hương thoáng qua trong gió ở phiên khúc một. Những chi tiết nhuộm màu sắc Âu Châu như tuyết rơi trên nóc nhà, rồi ngủ say bên nhau như trong một câu chuyện xưa của Pháp mà tôi đã quên tên đã được Leaqua khéo léo lược bỏ.
Thu đi qua đi xa đã mấy thu
Trời Paris u ám tiếng mưa xa
Em đã là khúc hát xưa
Đau phút tiễn đưa
Em bên ai cho tim anh giá đông
Ngồi bên suốt chuyến xe không là em
Ngồi bơ vơ
Cà phê đắng trên môi từng phút nhớ
ĐK
Michèle !
Ngày đó đã rất xa
Phố xưa vẫn vẫy chào ta nhớ
Hôm qua xa như giấc mơ
Tàu hôm nay vắng em
Mình ta nhớ với ta
Michèle !
Ngày đó đã rất xa
Chuyến xe chẳng chở tình em mãi
Hôm qua xa như giấc mơ
Tàu hôm nay vắng em
Mình ta nhớ với ta
...........
Ngày đó đã rất xa...
Trong đoạn ba này, những chi tiết vui tươi, đầy kỷ niệm của hai đoạn đầu đã được Gerard nhắc lại thật tài tình, và được Leaqua phóng tác sang Việt ngữ cũng tài tình và đầy tính sáng tạo không kém, với những hình ảnh như "Trời Paris u ám tiếng mưa xa", rồi nhất là Em đã là khúc hát xưa. Ồ! Yesterday có đó chứ, nhưng đã được mang một ý nghĩa khác, vì em chính là "Yesterday", để anh ngậm ngùi hát "Mình ta nhớ với ta".
Leaqua có biệt tài sáng tác lời nhạc buồn, có lẽ vì thế người viết bài này đã tìm cách đa dạng phong cách sáng tác đó bằng cách nhờ Leaqua dịch bài nhạc vui vui, xen lẫn tí buồn man mác như bài Michele này. Vậy mà khi mô tả cái sự buồn, Lequa cũng "thảy" vào được một chữ buồn mà cũng thật "đắt", đó là chữ đau trong "Đau phút tiễn đưa", ngắn gọn thôi mà đầy đủ vô cùng. Chắc lần tới người viết bài sẽ tìm một bài vui thiệt vui như bài "All You Need Is Love" (của The Beatles) chăng? Cho Leaqua hết dịp bỏ những câu buồn ;-)
Tàu hôm nay vắng em
Mình ta nhớ với ta
Cái CODA day dứt này thật là một kết thúc "mở", tạo nhiều cảm xúc cho người nghe, và đó cũng là một trong những "tuyệt chiêu thức" cần phải có của người dịch nhạc giỏi, phải biết cách viết những câu bỏ ngỏ như vậy, để người nghe có chỗ tự do tưởng tượng theo ý mình ...
Bài viết đã dài, hoctro phải đi làm. Xin dừng bút và hẹn bạn bài viết tới.
Ngày cuối tháng 9, 2011
Hoctro
***
Tái bút: viết xong bài này rồi tôi mới chợt nhớ là bài do Didier Barbelivien sáng tác, ông này cũng là ca sĩ nữa và hát nhiều bài cũng rất hay. Trước đây, tôi có đăng một video ông hát ở trang nhạc Pháp:
Xin cáo lỗi cùng bạn đọc là tôi nhớ nhầm Gerard Lenorman là người sáng tác.
Nhân tiện tôi muốn đăng thêm một video của hai ca sĩ mà tôi rất ngưỡng mộ, Gerard Lenorman và Marie Laforêt.
Ghi lại những mẩu chuyện, cảm nghĩ về âm nhạc. Posting in both English and Vietnamese my thoughts about popular music.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Raymond Lefèvre's orchestral music: timeless or will be forgotten?
In this short article, the author hopes that if readers have heard the orchestral music of Raymond Lefèvre (abbreviated: RL), they will rem...
-
Bạn, Lại thêm một năm trôi qua, tôi chẳng nghe hay khám phá gì được nhạc mới Việt cũng như Anh Pháp. Cũng có những ngôi sao chợt "xẹt...
-
Khi thưởng thức những nhạc phẩm dài hơi, với nhiều đoạn nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy như Khi Tôi Về (thơ Kim Tuấn), Mùa Xuân Yêu Em ...
-
Bạn thân mến, Trong một bài viết trước ( Những kỷ niệm về nhạc Paul Mauriat ) tôi đã có dịp nhắc đến người nhạc sĩ tài hoa, đa dạng của â...
No comments:
Post a Comment