6.01.2022

Vài cảm nghĩ về nhạc thuật của nhạc sĩ Lê Uyên Phương

... Chỉ một lần nghe, ta cũng có thể cảm thấy ngay đó là những khúc ca được sáng tác với cảm hứng âm nhạc đích thực, nhưng đó là một cảm giác không làm dáng và cũng không làm ra quá đáng, mà độ lượng, như là cố ý cầm lại vừa với tầm ngậm ngùi, ngao ngán của kiếp sống ...

... Tiếng nói mới đó, những "chansons de sanglot" đó, không biểu tỏ gì khác hơn là hạnh phúc ái tình giống như một hòn đảo mịt mù sương trong cơn giông thời đại. Bởi vậy mà ta nghe thấy nhiều đau đớn, nhiều nức nở đến thế. Chẳng phải là niềm đau mê man, mà là niềm đau sáng suốt: mắt mở thật lớn, ta nhìn nó đi thẳng vào tim ta đau nhói. Đó là tại sao những melodies đau đớn của PHƯƠNG - nơi ta có lẽ đã bắt lại được một machochisme huy hoàng - luôn luôn ở mode majeur. Cái "buồn majeur" là cái buồn sâu thẳm nhất trong âm nhạc có chủ âm.Và đó chính là "thú đau thương" đơn và thuần vậy ....

Cung Tiến
Sàigòn 20-2-1970

Đó là những lời thật trân trọng của nhạc sĩ Cung Tiến chia sẻ cảm nghĩ của ông về dòng nhạc Lê Uyên Phương (LUP), được đăng lại ở bìa sau tập nhạc Lê Uyên Phương - Khi Loài Thú Xa Nhau. (Toàn bộ tập nhạc này cũng như tập nhạc Yêu Nhau Khi Còn Thơ đã được gia đình nhạc sĩ cho ấn hành trên mạng lưới toàn cầu ở đây: http://www.leuyenphuong.com/tapnhac/khiloaithuxanhau.htm )




Thật vậy, mười bẩy trên hăm hai ca khúc của hai tập nhạc đó đều nằm ở cung trưởng, mà lại là cung trưởng tươi sáng như Do Trưởng, Sol và Re trưởng, chứ rất ít bài ở thể buồn buồn Fa trưởng, còn tuyệt nhiên là ông không dùng hai dấu giáng Si bemol trưởng. Đây là một nghịch lý cần phải được làm sáng tỏ về mặt nhạc thuật. Trưởng thì thường thường là vui, tại sao trong nhạc Lê Uyên Phương nó lại trở nên buồn sâu thẳm, thậm chí đau đớn, nức nở, mà cũng lại vừa rất huy hoàng - như nhạc sĩ Cung Tiến đã phê bình?

Thật ra một vài ghi chú nho nhỏ sau đây cũng chẳng thể nói lên được nhiều về dòng nhạc, nhưng nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy cách thức khai triển cũng như cấu trúc bài nhạc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương phức tạp hơn nhiều so với các nhạc sĩ cùng thời, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) chẳng hạn. Một đoạn phiên khúc của một bài nhạc thường không chỉ đơn giản là một loạt những tịnh tiến của một cung nhạc (Tình Nhớ - TCS), hay một khai triển đơn thuần của một ý nhạc nào đó (Nắng Thủy Tinh - TCS). Các câu nhạc cũng có độ dài không bằng nhau, như 8 8 8 8 trong phiên khúc của Diễm Xưa (TCS) chẳng hạn. Nhạc Lê Uyên Phương gập ghềnh, các câu nhạc có độ dài khác nhau, cách phát triển câu nhạc cũng thay đổi theo từng bài chứ không theo một khuôn mẫu nhất định. Trong phiên khúc, nhiều khi nhạc sĩ đổi từ Trưởng sang Thứ thật lạ kỳ như trong bài Đá Xanh, hay chuyển đoạn nhỏ Re thứ xen kẽ giữa điệp khúc Re Trưởng và phiên khúc cũng Re Trưởng của Đêm Chợ Phiên Mùa Đông . Hay nhất là các cấu trúc (song system) của bài nhạc. Sau đây là một vài thí dụ về sự đa dạng: 

- Buồn Đến Bao Giờ : ABA'CA, 
- Kỷ Niệm Trong Chiều : AA'BA''C, 
- Nỗi Buồn Dâng Hiến : ABA', 
- Một Ngày Vui Mùa Đông /  Còn Nắng Trên Đồi / Hết Rồi Những Ngày Vui: AABA, 
- Đêm Chợ Phiên Mùa Đông hay Vũng Lầy của Chúng Ta:: AABCA 
- Không Nhìn Nhau Lần Cuối : ABCAB
- Dạ Khúc Cho Tình Nhân : AABC
- Đá Xanh ABABAB

v.v.

Ngoài ra, cái tựa đề của bài nhạc cũng góp phần không nhỏ vào việc "loãng hóa" nhạc LUP nữa. Các tựa bài của ông hầu như cũng chỉ là định nghĩa sơ sài về nội dung bài hát, chứ không theo kiểu mẫu của nhạc pop. Trong nhạc pop, tựa bài phải nằm ở hai chỗ chiến lược là đầu bài hoặc cuối bài, và phải được lặp đi lặp lại ở điệp khúc, nhằm để người nghe nhớ bài nhạc dai hơn. Tựa bài trong nhạc Lê Uyên Phương phớt lờ một cách cố ý khái niệm tựa bài đó. Thậm chí trong bài nhạc Chiều Phi Trường, cả bài nhạc không có một chi tiết nào tả cảnh phi trường hay phi cơ, nếu nhạc sĩ để tựa là Chiều Quán Trọ nghe cũng rất thích hợp :)

Những chi tiết nho nhỏ vừa kể trên, nếu gom góp lại vào một bài sẽ tạo nên một không khí lãng đãng, rời rạc, có lẽ vì thế mà góp phần vào cái sự buồn đau đớn chăng?

Lời nhạc của Lê Uyên Phương cũng góp một phần rất đáng kể tạo nên nét nhạc riêng biệt của dòng nhạc này. Trong nhạc của ông, người nam và người nữ là một hiện hữu, gắn bó vào đời nhau: "tôi với em, dương trần vai tiễn đưa", "ta từng thương mến nhau ... em đành quên lãng sao?", "em ơi, xin em nói yêu thương đậm đà". Khi nói lời chia ly cũng phải là hành động rất rõ ràng "Em ơi Em ơi quay đi để cho chia lìa lần này dài phút xót xa". Ông cũng sử dụng rất nhiều các hình ảnh trăng, sao, mây trời, v.v để nói lên tâm trạng, như nhiều nhạc sĩ cùng thời. Riêng vấn đề "mây trời" trong nhạc của ông cũng khá dài để thừa sức làm một tiểu luận phân tích. Khác với quan niệm thường gặp về nhạc LUP là nhạc của ông có vẻ wild, man dại, thậm chí có nhiều "dục tính", tôi thấy nhạc của ông có nhiều bài thật thanh khiết, cao sang, thật đẹp như "Mình ngồi ngắm mây trời, tuổi hồng đã xa vời", "khi em bước đến bên tôi, lời chim tưng bừng", "nầy anh ơi suối reo sườn đồi, nầy chim ơi reo mừng cuộc đời ghi tên", "vì đâu mê say phồn hoa, như áo gấm sáng lóng lánh", v.v. và v.v.

Dòng nhạc Lê Uyên Phương thật say đắm, có thật nhiều điều cần phải được phân tích để tìm kiếm, để đồng cảm, để thấy sự thông minh trong cách tạo dựng một bài nhạc để tạo một ấn tượng, vu vơ hay say đắm, hồn nhiên hay ưu tư, buồn thoáng qua hay buồn muôn thuở. Hy vọng sẽ có một  hay nhiều dịp khác nữa để tôi phân tích từng bài nhạc một cách cụ thể hơn và cùng bạn hiểu thêm về nhạc thuật của người nhạc sĩ đa tài Lê Uyên Phương.

Học Trò
5-2011

Tái bút: Mời bạn nghe một số bài nhạc LUP qua giọng ca Thiên Phượng và hòa âm của nhạc sĩ Duy Cường:


Tái bút #2: Mời bạn xem tiếp bài kế, trong đó tôi phân tích nhạc phẩm đầu tay Buồn Đến Bao Giờ của nhạc sĩ Lê Uyên Phương : http://hoctroviet.blogspot.com/2011/05/vai-cam-nghi-ve-buon-en-bao-gio-ban.html

No comments:

Post a Comment

Raymond Lefèvre's orchestral music: timeless or will be forgotten?

 In this short article, the author hopes that if readers have heard the orchestral music of Raymond Lefèvre (abbreviated: RL), they will rem...