12.24.2014

Những cảm nhận tiếp nối về nhạc Paul Mauriat (Bài 3)

Bạn,

Lại thêm một năm trôi qua, tôi chẳng nghe hay khám phá gì được nhạc mới Việt cũng như Anh Pháp. Cũng có những ngôi sao chợt "xẹt" qua, như cô Adele, hay vài bài nhạc Pháp trữ tình thỉnh thoảng bắt gặp trong các chương trình tối thứ Bảy như "Hier Encore" hay "Les Annés Bonheurs" của TV5Monde (mà tôi đặt mua cable để tập nghe tiếng Pháp hằng ngày.) "Có lẽ tới một tuổi nào đó thì người ta không còn nghe nhạc hát nữa chăng", là lý do để tôi biện minh cho việc nghe nhạc Paul Mauriat dầm dề suốt ba bốn năm nay, và vẫn chưa chán?

Năm 2014 là một năm đặc biệt với tôi. Sau khi chữa xong một cơn bệnh với nhiều phản ứng phụ, trong đó có trầm cảm, tôi cảm thấy yêu đời trở lại. Ở sở làm, tôi dồn hết năng lực vào việc viết nhiều nhu liệu mới cho một ứng dụng ba chiều. Con đường đến sở làm dài gần tiếng đồng hồ vì kẹt xe, trở thành nơi tôi suy nghĩ về những việc đã làm cho nhu liệu, những việc sắp tới sẽ làm, hay cách giải lượng giác để "vẽ" chúng vào nhu liệu. Trong suốt thời gian một tiếng mỗi ngày ấy, người bạn đồng hành là những bài nhạc Paul Mauriat từ dĩa nhạc đầu tiên Vol 1 (1965) cho đến dĩa nhạc cuối của thời kỳ "xanh" của nhạc Paul Mauriat, khoảng năm 1982.

Vì nghe nhạc không lời, tôi không phải lắng nghe, khen chê những ca sĩ là hát hay hoặc dở. Nhạc Paul hệt như nhạc Bach, là một sự toàn hảo toán học, câu cú đâu ra đó, rất lô-gíc, khoa học. Âm thanh thật toàn hảo, trong suốt. Chất sáng tạo đầy dẫy trong nhạc Paul, vì ông và những cộng tác viên thử nghiệm đủ loại nhạc cụ, phong cách, thể loại nhạc (trữ tình, disco, latinh, v.v.)

Trong năm vừa qua, nắm bắt lấy cơ hội "vàng" là hãng Dutton Vocalion lần lượt "remastered" và bán các đĩa LP của Paul từ 1965 đến 1982, tôi đã mua được 9 trên 19 đĩa của họ. Mỗi đĩa nhạc gồm hai đĩa LP cũ, như vậy tới nay tôi đã có khoảng 220 bài nhạc với âm thanh thật "bén", ngoài các bài nhạc mp3 thâu nhặt đây đó, chất lượng tất nhiên là không sao sánh bằng. Hãng nói trên có cả thảy 19 đĩa Paul, vậy là còn 10 đĩa phải mua trước khi chúng tuyệt tích giang hồ. Sở dĩ tôi phải mua từ từ là vì tôi chờ "coupons" từ Barnes and Nobles, mỗi dịp Giáng Sinh nó cho nhiều lắm, thành ra đĩa nhạc từ 25$ nay chỉ còn khoảng 18-20$, đỡ đồng nào hay đồng nấy, phải không bạn?



và một đĩa vừa về tới trong khi đang viết bài này:


Trên trang Dutton Vocalion, bạn có thể xem đầy đủ danh sách 19 CD này:

http://www.duttonvocalion.co.uk/search.asp rồi đánh vào Paul Mauriat trong khung "Search for"





Tôi biết là bộ sưu tầm của tôi chưa thấm vào đâu so với những tay mê nghe nhạc Paul Mauriat khác, nhưng trong thời đại mới này, khi nhạc mp3 chất lượng cao lan tràn bừa bãi, tôi muốn mua nhạc gốc - như là một cử chỉ biết ơn đến người đã bỏ công khó sáng tạo ra những tuyệt phẩm này.


 
 
Cộng với trên dưới hai mươi đĩa nhạc mà tôi sưu tầm trước đây, tôi có khoảng 400 bài hòa tấu với chất lượng cao, đủ làm người bạn đồng hành trên con đường đến sở làm. Không biết ai khác thì sao chứ tôi thấy càng nghe nhạc Paul tôi càng có nhiều sáng kiến trong công việc, chế ra đủ loại nhu liệu để phụ vẽ nhanh (automation) các chi tiết trên ứng dụng ba chiều. Nghe nhiều đến nỗi mùa Giáng Sinh này tôi bỏ không nghe đài 103.5 nhạc Giáng Sinh nữa, vì sợ sẽ hết sáng kiến :-)))) Chỉ nghe mỗi nhạc Paul Mauriat mà thôi :-)
 

 
Một nhu liệu tôi đang viết (bên phải), người dùng chỉ cần cho vào những thông số là nhu liệu sẽ tạo hình này lên database (màu xanh lục bên trái) trong nháy mắt, nếu vẽ bằng tay thì mất khoảng hai mươi phút nếu vẽ giỏi.
 
Một "thắng lợi" khác là việc tìm mua được quyển nhạc piano gồm những bài tuyển cùa Paul. Tôi "bắt" nhỏ con tôi đánh hằng ngày. Cháu vừa đọc hai tay vừa đánh theo, đó là một chuyện mà tôi không thể nào làm được. (Cháu năm sau sẽ thi "Certification of Merits" level 8 của Hiệp hội các thầy cô dạy âm nhạc cùa tiểu bang California. Thời gian trôi qua nhanh, trong một bài viết về nhạc Phạm Duy tôi có viết là cháu nhỏ sắp thi Level 2,3 gì đó, thì nay đã sắp thi lớp 8 rồi, còn Music Theory thì tôi đã thua xa nó lắm rồi.)

 
một trang sách ...
 

Nhưng "chiến thắng" oanh liệt nhất trong năm nay lại là việc mua được quyển "Paul Mauriat: Une vie en bleu". Tôi tình cờ tìm được quyển này trên amazon của Hoa Kỳ (sau nhiều năm gõ thử vào tên sách trong vô vọng), nhà sách thì từ bên Pháp, và sau gần ba tuần chờ đợi thì cuối cùng đã có nó trong tay!
 
 
 
một trang sách ...
 

Quyển sách thật là một tài liệu quý cho những ai đã từng yêu mến nhạc Paul!!! Được tác giả Serge Elhaik viết vào năm 2002, ông phỏng vấn được rất nhiều nhân vật, trong đó có cả Paul. Sách trình bày trên giấy láng, hình màu, bìa cứng. thật trang nhã, xứng đáng với tầm vóc của một nghệ sĩ lớn. Quyển sách đã giúp tôi "giải mã" thật nhiều những câu hỏi mà tôi rất băn khoăn khi trước, thí dụ như ảnh hưởng của Nhật bản trong sự nghiệp của Paul, tại sao nhạc trong một giai đoạn thì lại hay hơn một giai đoạn khác, v.v. Những chi tiết, câu chuyện, nhân vật từ đây đến cuối bài viết, do vậy, đều rút ra từ quyển sách này.
 

Không có một thành công nào mà không phải trải qua khổ luyện

 
Đọc qua quyển sách này, tôi càng thấm thía một điều là không có một thành công nào mà không phải trải qua khổ luyện. Thoạt nghe như một hiển nhiên, nhưng có đi qua con đường ấy thì mới thấm thía. Biết điều ấy để khỏi ganh tỵ với những người giàu có, tài ba hơn mình. Chẳng có ai thành công nhờ may mắn, ai cũng phải làm việc cật lực.
 
Trường hợp Paul Mauriat cũng vậy, sinh năm 1925, ông chỉ có may mắn duy nhất là sinh ra trong một gia đình ưa chuộng âm nhạc. Đại gia đình ông hay tổ chức những buổi hòa nhạc, ca hát trong gia đình, hai ba lần mỗi năm. Mới ba tuổi, Paul đã được mẹ cho lên đàn piano "quậy". Năm lên tám, Paul được học piano với một bà giáo tên là Bernard, để rồi sau đó vài năm bà phải nói với ba của Paul là nên cho Paul vào học nhạc viện. Paul chính thức vào học nhạc viện Marseille lúc mười tuổi rưỡi. Từ đó bắt đầu một cuộc khổ luyện để tay nghề đạt đến trình độ siêu quần, là một trong bộ ba "Tam Quốc Chí": Franck Pourcel - Raymond Lefèvre - Paul Mauriat.
 
Lúc mười bốn tuổi, ông đoạt bằng hạng nhất khoa Dương Cầm. Ông tốt nghiệp tháng 6 năm 1940 với bằng hạng nhất về môn Nhạc Lý (solfège.) Trong những năm Thế Chiến Hai, ông làm việc trong bưu điện, nhưng lúc nào cũng nghĩ đến việc quay trở lại với âm nhạc. Ông thành lập một ban nhạc Jazz, thắng một giải thưởng âm nhạc, gặp gỡ những người bạn cùng chí hướng và chơi nhạc với họ. Ông nhận xét là những năm tháng học hỏi trong trường nhạc và sự tổ chức chặt chẽ của một ban nhạc Jazz tạo cho ông một nền tảng vững chắc cho những sáng tạo sau này. Năm mười tám tuổi, ông ký hợp đồng làm dương cầm thủ cũng như người phụ trách phần hòa âm (arranger) với ban hòa tấu Alex Piller, để rồi sau đó, năm 1944, chính là người kế tục Piller với vai trò nhạc trưởng.
 
Trong suốt hai mươi năm kế, Paul Mauriat liên tục làm nhạc trưởng của nhiều ban nhạc ở Marseille, đáng kể nhất là ở sàn nhảy Le Vamping từ tháng 7 năm 1952 đến tháng ba năm 1958. Ông có một danh sách nhạc do ông soạn hòa tấu vào khoảng ba trăm bài nhạc! Ban nhạc luôn luôn biết họ sắp chơi bài nào vì ông sáng chế ra một phương thức báo hiệu rất thông minh. Ông đánh số từng bài, rồi gắn ba cái đèn trên trần nhà chỉ có các nhạc công mới thấy, mỗi cái có một vòng quay từ số 1 đến 9. Khi báo hiệu bài sắp tới, thí dụ như "153" thì ông sẽ điều chỉnh máy để ba cái đèn hiện lên ba số đó, và cứ thế, cứ thế. Từ năm 1959 tới năm 1965, ông ký giao kèo viết nhạc bán đĩa cho hãng Barclay, dưới danh xưng do ông chủ Eddie Barclay tạo ra, là BelAir. Cùng thời gian đó, ông cũng soạn hòa âm cho nhiều ca sĩ, trong số đó là một trong các ca nhạc sĩ nổi tiếng nhất nước Pháp là Charles Aznavour, mà nổi tiếng nhất có lẽ là bài Hier Encore. Năm 1962, ông là đồng tác giả bài Chariot, khi chuyển dịch sang Hoa Kỳ trở thành bài I Will Follow Him đứng hang nhất trong tuần của tạp chí Billboard năm 1963. Ngoài ra, ông còn soạn nhạc phim chung trong suốt hai năm liền (1961-1963)với ông Raymond Lefèvre, một nhạc trưởng khác mà tôi vốn rất ái mộ.
 
Năm 1965 là một năm đặc biệt với Paul. Bốn mươi tuổi, với trên hai mươi năm soạn và điều khiển ban nhạc cũng như xuất bản đĩa nhạc, ông kết thúc hợp đồng với hãng BelAir để ký một hợp đồng khác với hãng Philips liên tục cho tới năm 1993, gần 30 năm trời! Đĩa đầu tiên được xuất bản năm 1965 với tên gọi Le Grand Orchestre de Paul Mauriat - Vol 1, đĩa cuối cùng với tên gọi Emotions năm 1993. Điều đáng kể nhất là số lượng và chất lượng của những đĩa nhạc từ 1965 đến 1983, trung bình là 4 đĩa nhạc mỗi năm, như vậy là khoảng trên dưới 70 đĩa nhạc hoàn toàn mới trong khoảng thời gian này! Trung bình có 10 bài trong một đĩa, vậy là ta có khoảng 700 bài nhạc của thời kỳ này!
 
Bạn thử vào trang này rồi đi từ từ theo từng LP/CD theo dấu mũi tên, bạn sẽ thấy rõ điều này:
 
 
Trong thời gian ký hợp đồng với hãng BelAir, số lượng bán không nhiều. Chính ông chủ Eddie Barclay cũng tự hỏi tại sao công chúng Pháp không ưa loại nhạc hòa tấu này, chỉ có dân nói tiếng Anh là ưa chuộng. Paul Mauriat còn tiết lộ chính Eddie bảo thẳng với ông là Paul không có tương lai với ban nhạc hòa tấu của ông. Do vậy, Paul đã tìm một hãng đĩa mới vàông đã chon hãng Philips. 
 
Và như vậy Eddie Barclay đã để ông "thần tài" tuột khỏi tay mình, vì chỉ sau hai năm cộng tác với hãng Philips, Paul Mauriat đã làm nên tên tuổi trên vòm trời Mỹ quốc. Bản Love Is Blue trong đĩa Blooming Hits đã chiếm ngôi vị hạng nhất Billboard. Paul Mauriat là người Pháp duy nhất đoạt được vinh dự này. Để so sánh, ban nhạc ABBA nồi tiếng vậy, mà chỉ có độc nhất một bài đứng hạng nhất mà thôi, đó là bài Dancing Queen! Sau đó, nhạc Paul Mauriat thật sự nổi tiếng toàn thế giới, nhất là ở các nước Nam Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, và cả ở Nga lẫn các nước Âu châu khác.

 

Một người bạn đồng hành trong suốt mười năm

 
Sách Paul Mauriat: Une Vie en Bleu dành riêng ra một chương để nói về sự đóng góp đắc lực của bốn nhân vật trong ê-kíp Paul Mauriat: Valentin Coupeau, người quản lý của ông (manager), Dominique Poncet, kỹ sư âm thanh, Gérard Gambus, cánh tay mặt, vừa chơi piano vừa phụ hòa âm, và Gilles Gambus, cũng là em trai của Gerard, dần dần thế chỗ người anh từ cuối năm 1982 như là một dương cầm thủ, và sau đó là người hòa âm và điều khiển phụ cho Paul.
 
Chương nói trên là bằng chứng duy nhất, giải thích cho tôi vì sao tôi lại thích nhạc Paul thời kỳ 1972 đến 1982 đến như vậy. Khoảng thời gian ấy là lúc Gérard Gambus cộng tác với Paul, đầu tiên là dương cầm thủ, dần dần trở thành người phụ trách phần tiết tấu "rhythm section", sau cùng là cộng tác về mọi "mặt trận" và do đó, được Paul sòng phẳng ghi tên chung trên những tác phẩm chung của họ, như các đĩa Overseas Calls, Chromatic, Roma Dalla Finestra.
 
Đầu tiên, Gérard là dương cầm thủ của Mireille Mathieu. Do Paul cũng là người soạn nhạc cho Mirelle, mà nổi tiếng nhất là bài Le Crédo, chuyện Paul mời Gérard cộng tác với mình là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra. Đĩa đầu tiên Gérard làm việc cho Paul là điã Forever and Ever. Theo lời chính Gérard tự thuật thì trong đĩa nhạc đó và các đĩa thời kỳ đầu cộng tác, Paul hòa âm tám mươi phần trăm. còn Gérard phụ trách phần tiết tấu: piano, guitar, bass, trống và percussions. Bên cạnh Paul, Gérard thú nhận đã học hỏi được thật nhiều điều, từ cách viết nhạc, đến điều khiển dàn nhạc, cho cả đến cách cư xử với mọi người nữa. Gérard quả quyết rằng ông là người duy nhất được Paul truyền thụ cho một hướng đi âm nhạc như vậy. Nói cách Á châu của chúng ta, Gérard là "đệ tử chân truyền," "đệ tử ruột."
 

 
Paul Mauriat và Gérard Gambus
 
Khoảng từ năm 1975 trở đi, sau những sự trưởng thành của Gérard, Paul hỏi ông "anh có muốn hợp tác độc quyền với tôi không?" Gérard nhận lời, từ đó trở thành cánh tay mặt đắc lực của Paul. Chính Paul đã nói lúc đó: "những gì mình cộng tác chung (collaborations) mình sẽ ký tên chung 50-50, trên những đĩa nhạc sẽ viết như vậy: All songs composed and arranged by Paul Mauriat & Gérard Gambus.
 
 
Bạn có thể thấy tình cảm thầy trò của họ trong video hiếm hoi dưới đây, khi Gérard chơi piano và Paul trìu mến nhìn cộng sự viên của mình đang đắm chìm trong cõi nhạc (khoảng 5 phút vào video).
 

 
Thật không may, họ chỉ hợp tác với nhau đến cuối năm 1982 rồi thôi, vì những lý do mà họ không muốn nói rõ hơn trong sách. Chỉ biết rằng, Gérard rất buồn và rất nuối tiếc, nhưng lúc nào cũng nói câu biết ơn với người Thầy, người bạn trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
 
 
 
 
Gần đây, năm 2013, Gérard Gambus, với sự đồng ý của bà Irène Mauriat, người bạn đời của Paul, cho ra đời một đĩa nhạc mới dưới cái tên The New Paul Mauriat Grand Orchestra, trong đó có một bài hòa tấu do Gérard sáng tác và làm hòa âm, có một cái tên đơn sơ là  Juste Un Hommage. Bài nhạc thật buồn, thật đẫm chất Paul, chỉ người học trò ruột mới có thể hiểu thầy và tri ân một cách bình thản và dịu dàng như vậy được. Bài nhạc như gió thoảng qua, như nhạc của Paul đã hiện hữu trong đời chúng ta, tuy không nắm bắt được, nhưng có thật và nằm sâu trong mỗi người đã từng nghe và yêu quý nhạc Paul.
 

 
 
 

Các thời kỳ nhạc Paul Mauriat

 
Như chính Paul đã khẳng định, nhạc của tôi là do tôi soạn nhạc từ đầu tới cuối, chăm sóc từ lúc bắt đầu viết tổng phổ cho tới khi kết thúc phần biên tập âm thanh. Cho dẫu khi cộng tác với Gérard, Paul vẫn là người viết tổng phổ chính, chưa hề gián đoạn. Do vậy, âm thanh "Paul Mauriat" được bảo toàn trọn vẹn từ đầu đến khi Paul về hưu năm 1998. Hơn nữa, các cộng sự viên khác của Paul từ đầu đến cuối trào như Domonique Poncet (từ 1969), hay Valentin Coupeau ( từ 1972) đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn phong cách nhạc Paul Mauriat.
 
Tuy vậy, nếu bạn nghe "trường kỳ" như tôi, bạn sẽ thấy nhạc Paul thật ra gồm có bốn thời kỳ: khi còn ở hãng nhạc BelAir, từ năm 1965 tới 1972, từ 1972 tới 1982, và các năm còn lại. Thời kỳ đầu (1959-1965) tôi chưa dám khám phá, vì phần không có đĩa trên thị trường để mua nghe, phần vì tôi cũng không mê lắm nhạc Âu Mỹ trong nhưng năm này. Thời kỳ thứ hai tôi thích nghe một số bài nhạc Pháp như Mes Mains Sur Tes Hanches, Un Jour Un Enfant, Je T'aime Moi Non Plus, Comme J'ai Toujours Envie D'aimer, v.v. Thời kỳ sau chót tôi thích nhất là bộ ba Classics In The Air, và một số bài nhạc khác như Quartet For Kobe, trong đó "Tam Quốc Chí" cùng Francis Lai (của Un Homme et Une Femme, Bilitis, etc.) chơi một bài nhạc thật da diết, bày tỏ tình cảm tới các nạn nhân của vụ động đất ở Kobe ngày 17 tháng giêng năm 1995.
 
 


Với riêng tôi, giai đoạn thứ ba từ 1972 tới 1982, khởi đầu bằng đĩa Forever and Ever và kết thúc với đĩa Magic, là giai đoạn xanh, của nhạc Paul Mauriat, khi ông có một cánh tay phải thật đắc lực là Gérard Gambus. Gérard đã phụ chắp cánh cho nhạc của Paul vốn đã tuyệt hảo, nay vươn tay tới những chân trời mới lạ hơn, với những đĩa nhạc sáng tạo như Overseas Call, không là những bản viết lại từ nhưng bài Top Hits đương thời, hay là từ nhạc cổ điển, hay từ những bài nhạc do Paul là tác giả, mà là nhạc mới, trước và sau không hề xuất hiện lại trong discography của nhạc Paul. Những tiết tấu nhạc trong thời kỳ này cũng sôi nổi hơn, khởi đi từ các bài Les Matins D'hiver, Fais Comme L'oiseau của đĩa Forever and Ever, tới những bài nhạc Anh Pháp khác như Yesterday Once More, Sonia, Je Pense à Toi, 14 Ans Les Gauloises, From Souvenirs To Souvenirs, Love Will Keep Us Together, Viens M'embrasser, After The Love Has Gone, v.v. cho tới những bài của ABBA như Head Over Heels, The Winnder Takes It All, Fernando, rồi của anh em nhà Bee Gees sáng tác như Woman In Love, Guilty, Too Much Heaven, v.v. tất cả đều tỏa sang một tiết tấu, cách đệm trống, đệm bass, chơi percussions thật hoa mỹ, đầy nghệ thuật.

Trong số mười chín dĩa nhạc mà Dutton Vocalion phát hành, chỉ có tám đĩa nhạc thuộc thời kỳ xanh này, mà bạn thấy là tôi rất "ưu tiên" tìm cách tậu chúng trước. Đó là:

1. Paul Mauriat &; His Orchestra
FOREVER AND EVER &NOUS IRONS À VÉRONE



http://www.duttonvocalion.co.uk/proddetail.asp?prod=CDLK4458

2. Paul Mauriat - Chromatic & Bonus tracks



http://www.duttonvocalion.co.uk/proddetail.asp?prod=CDLK4480

3. Paul Mauriat - Reality & Pour Le Plaisir



http://www.duttonvocalion.co.uk/proddetail.asp?prod=CDLK4496

4. Paul Mauriat & His Orchestra
 L'été Indien, Sommer Souvenirs & Bonus tracks



http://www.duttonvocalion.co.uk/proddetail.asp?prod=CDLK4513

5. Paul Mauriat
 Il Était Une Fois Nous Deux & L’oiseau et L'Enfant



http://www.duttonvocalion.co.uk/proddetail.asp?prod=CDLK4547

6. Paul Mauriat
 Chanson d’Amour &Brasil Exclusivamente



http://www.duttonvocalion.co.uk/proddetail.asp?prod=CDLK4550

7. Paul Mauriat & His Orchestra
 OVERSEAS CALL EXCLUSIVAMENTE BRASIL VOLUME 3



http://www.duttonvocalion.co.uk/proddetail.asp?prod=CDSML8498

8. Paul Mauriat  - Tout pour la musique &  Roma dalla Finestra



http://www.duttonvocalion.co.uk/proddetail.asp?prod=CDSML8500

Đăng mọi chi tiết lên đây, không phải tôi "đang tâm" làm kẻ cò mồi không công cho Dutton Vocalion, mà chỉ để giới thiệu đến những thính giả cũng ưa chuộng nhạc Paul, để trước tiên chia xẻ cùng họ những góp nhặt trong năm nay, cũng như giới thiệu đến với họ những CD đáng giá để họ tìm mua trước khi chúng tuyệt tích giang hồ.

Với những ai chưa nghe qua nhạc Paul cũng như nhạc nhẹ, trữ tình thời thập niên 60, 70. Bạn hay thử tìm hiểu bằng cách tìm nghe nhạc Paul thời kỳ xanh, hay những bản nhạc gốc do ca sĩ hát của thập niên 70. Bạn sẽ cảm thấy là nhạc mới bây giờ tuy cũng hay, như nhạc cô Adele hay Taylor Swift, New Directions, Ariana Grande, Selena Gomez, hay cả những bài trong phim Frozen chẳng hạn, nhưng về cấu trúc, sự phát triển và biến đổi tiết tấu, giai điệu, hai thập niên 60 làm đầu tàu và 70 kế thừa ăn đứt nhạc bây giờ bạn ạ.

Không có một thành công nào mà không phải trải qua khổ luyện - Không có con đường tắt


Nhắc lại tựa đề của phần trên nhằm đánh động đến bạn yêu nhạc một cái bẫy của một nhạc công chơi french horn khi xưa, nay muốn trục lợi dưới danh xưng "Ban nhạc hòa tấu để vinh danh Paul Mauriat". Việc làm bất lương ấy đã được chính bà Irène Mauriat tố cáo trong một bản tuyên bố năm 2010:

http://www.grandorchestras.com/mauriat/misc/irene-mauriat-message.html

Contrary to what you may have read on the internet or elsewhere, I never approved Mr. Justafré as my husband's successor. Mr. Justafré was never my husband's student or disciple either. Paul Mauriat himself took care of all aspects of the artistic direction of his orchestra : choice of musicians, the programme, the sound engineers, rehearsal time… He ensured that the style and sound that people expected from his orchestra were respected. He had great esteem for his musicians, and personally saw to it that tours took place in the best possible conditions, so that the musicians, in turn, could give of their best. You understand, he was a great professional who left nothing to chance. No-one could replace or succeed him.

trong đó bà xác định rõ là "trái với những gì bạn có thể đọc đâu đó hoặc xem trên internet, tôi chưa bao giờ chấp nhận chính thức Mr. Justafré là người thừa kế (di sản âm nhạc, ban nhạc) của chồng tôi. Ông Justafré cũng chưa hề là học trò hay thuộc hạ của chồng tôi. Paul Mauriat tự tay điều khiển mọi lãnh vực liên can đến hướng đi nghệ thuật của ban nhạc ông: từ việc chon nhạc công, chương trình thu âm hay biểu diễn, kỹ sư âm thanh, giờ giấc tập dượt ...Paul đảm bảo âm thanh và lối chơi mà người ta mong đợi từ ban nhạc ông phải được hết sức tôn trọng..... Nói cách khác, ông là một người chuyên nghiệp vĩ đại, không để bất cứ điều gì xảy ra ngoài dự liệu. Không ai có thể thay thế hoặc kế tục sự nghiệp của ông."

Trên trang paul-mauriat.com, một cái bẫy cho người nhẹ dạ, sau khi viết một bản khá dài về Paul, ta thấy có một đoạn như sau:

http://paul-mauriat.com/biography.html

"Mauriat said goodbye to the scene in the end of 1998 at a concert in Osaka, but his orchestra has still successfully continued touring. Initially it was under the guidance of the pianist Gilles Gambus who worked 25 years with the maestro and his brother Gerard, and now it is under the leadership of the trumpeter Jean-Jacques Justafre"

tạm dịch:

Mauriat tạm biệt sân khấu biểu diễn cuối năm 1998 với một buổi hòa nhạc ở Osaka, nhưng ban nhạc của ông vẫn tiếp tục biểu diễn rất thành công. Ban đầu là dưới sự dẫn dắt của dương cầm thủ Gilles Gambus, người đã làm việc với nhạc sư và người anh Gerard, và bây giờ là dưới sự lãnh đạo của người chơi trumpet Jean-Jacques Justafre.

Cùng với bài tiểu sử, ta thấy có một bài viết "lập lờ đánh lận con đen" khác:

http://paul-mauriat.com/news/paul-mauriat-grand-orchestra.html

"A very important event happened in 1965. It was foundation of the Grand Orchestra. At that time the orchestra was named after him, that is the full name was Paul Mauriat Grand Orchestra. But then, the members of orchestra always changed, almost all the time some people left the orchestra and others came. Only conductor was the same (Paul himself)."

tạm dịch:

"Một sự kiện quan trọng xảy ra năm 1965. Nó làm nền móng cho "Grand Orchestra". Lúc đó thì ban nhạc được đặt dưới tên ông, do đó tên đầy đủ là "Ban nhạc Đại Hòa Tấu Paul Mauriat". Nhưng rồi, những nhạc công của ban nhạc luôn thay đổi, hầu như lúc nào cũng có người đi và đến. Chỉ có nhạc trưởng (là Paul) là yên vị mà thôi.

Đúng là lý luận cùn, nghe muốn "phát ói"!!!  Làm như Ban Nhạc Đại Hòa Tấu Paul Mauriat là một cái chợ chồm hổm, ai muốn tới là tới, ai muốn đi thì đi, chỉ có Paul ở đó, cầm cái que như làm cảnh sát chỉ đường cho mọi nhạc công vào ra cho có trật tự chút xíu :-)))) Nhạc tổng phổ thì hoặc là mạnh ai nấy đàn, hay là từ trên trời rớt xuống mỗi ba tháng :-)

Dựa hơi từ danh tiếng của một nhạc sư huyền thoại như Paul Mauriat mà không biết ngượng! Chính một website của fans nước Nga cũng đã biết để tẩy chay:

http://fanclub.paulmauriat.ru/tribute-to-paul-mauriat-version-2013.html

Kết


Mục tiêu của bài này chỉ gồm ba phần: những khám phá của tôi về nhạc Paul trong năm 2014 và các CD mới, giới thiệu đến bạn đọc một học trò chân truyền, từng đứng chung tên với Paul trong các đĩa nhạc, đó là Gérard Gambus, và cuối cùng là "cảnh báo" một nhạc công lợi dung danh tiếng của nhạc sư.

Ngoài ra tôi cũng rất hy vọng bạn sẽ tìm cách đặt mua mấy CD giá cả văn nghệ của Dutton Vocalion để nghe chơi nhạc Paul "thời kỳ xanh". Trước đây bốn năm trong bài đầu tiên, tôi ca cẩm về việc người Nhật "giam lỏng" nhạc Paul, nay thời thế đổi khác, bạn có tới 19 cái CD để chọn mua nếu có dịp. Ngại ngại gì mà hổng chịu lẹ giùm?!?? :-)))

Bài viết đã khá dài, xin hẹn gặp lại bạn trong một bài viết tới. Chúc các bạn một Mùa Giáng Sinh vui tươi và đầy tình thân ái.

Hiệp Dương (aka Học Trò)
Viết xong ngày 24 Tháng Mười Hai 2014

Tái bút:

Mời bạn đọc theo dõi hai bài viết trước của tôi về nhạc Paul Mauriat:

1. Những kỷ niệm về nhạc Paul Mauriat
http://hoctroviet.blogspot.com/2011/04/nhung-ky-niem-ve-nhac-paul-mauriat.html

2. Paul Mauriat, người giữ gìn "niềm vui sống" của các ca khúc Pháp và thế giới
http://hoctroviet.blogspot.com/2010/02/paul-mauriat-nguoi-giu-gin-niem-vui.html


15 comments:

  1. Cám ơn bạn đã cho biết niềm đam mê nhạc Paul Mauriat của bạn y như tôi vào năm 1975 ở VN, tôi từng sưu tập tất cả dĩa 33 tours của Paul Mauriat & Frank Pourcel & Raymond Lefèvre,mỗi tay có một cách soạn hòa âm rịêng rất đặc sắc,cuối cùng PM vẫn nhiều bản hòa âm độc đáo hơn 2 người kia.
    Sau này đi định cư ở Canada tôi không còn dịp sưu tầm nữa vì cuộc sống quay cuồng,nhưng những khi thong thả tôi vẫn tìm vào dòng nhạc PM trên internet để hồi tưởng và thả hồn theo tiếng violon hay piano tù theo bản.

    ReplyDelete
  2. Rất cám ơn bạn đọc Saigonnais đã ghé thăm và cho ý kiến. Vâng, ba người mà Người Sài Gòn nhắc nhạc đều hay hết. Trong sách Une Vie En Bleu có hẳn một bài viết về Franck Pourcel do chính Paul Mauriat viết, cũng như một chương dành riêng cho tình bạn giữa Paul v2 Raymond khi họ đồng sang tác nhiều nhạc phim, trong đó có một quyển Gendarmes đầu tiên của danh hài Loius de Funès nữa. Rất cảm động khi đọc đến đoạn Paul thú nhận họ collaborated đến nỗi ông không còn nhớ ai viết chỗ nào.

    Mong Người Sài Gòn trở lại với đam mê sưu tầm nhạc của ba ông!!!

    Thân mến,

    ReplyDelete
  3. Nếu so sánh giữa Frank Pourcel và Paul Mauriat thì FP viết hòa âm nhạc có vẻ trầm lắng hơn ,anh thử nghe 2 bài Après toi của FP va PM sẽ thấy khác biệt,Raymond Lefèvre có album hay nhất là Soul symphony 1 những bản nhạc cổ điển hòa âm theo lối nhạc soul rất lạ. Nhắc tới Louis de Funès làm tôi nhớ tới thời trung học đệ nhất cấp,film của ông ta đóng thích hợp cho trẻ con hơn là người lớn.Sau này ảnh hưởng nhạc và văn hóa Mỹ lấn át từ từ ảnh hưởng và văn hóa Pháp nên chính tôi cũng không còn thời gian để theo dõi nhạc hay phim Pháp nữa,cũng có thể do văn nghệ thuật của Mỹ thay đổi lẹ và mang nhiều sắc thái mới lạ nên hấp dẫn mọi người hơn.Ngay phim ảnh Pháp cũng chậm chạp từ tốn,nói nhiều,không có action như Mỹ.
    Nếu có thể anh cho biết một vài bản nhạc của PM,FP hay RL mà anh thích nhất xem có trùng gu tôi không ?
    Ngày xưa có một ông thầy dạy học của tôi về môn văn chương Pháp,thấy ấy nói một câu mà cho đến giờ tôi không quên mỗi khi nghe lại loaị nhạc instrumental này. " Nhạc không lời là loại nhạc hay nhất để thưởng thức giai điệu,còn nhạc có lời vì giai điệu dở nên phải thêm lời cho thành hay thí dụ : nhạc classique không bao giờ có lời và vẫn hay và vượt thời gian lẫn không gian"
    Thân .

    ReplyDelete
  4. Vâng, sau đây là những bài mà hoctro thích nhất của các ông;

    Paul Mauriat: (danh sách từ bài viết #2: giai đoạn nhạc Pháp từ cuối 60' -> cuối 70)
    •Tombe la neige
    •Apres toi
    •Ce n'est rien
    •La decadance
    •L'avventura
    •Summer of 42
    •Une belle histoire
    •La maladie d'amour
    •Rien qu'une larme
    •Tu te reconnaitras
    •Viens viens (Rain rain)
    •Le premier pas
    •Emmanuelle
    •Et bonjour a toi l'artiste
    •L'ete Indien (Africa)
    •Il a neige sur yesterday
    •L'oiseau et l'enfant
    •Michèle, v.v.

    Raymond Lefèvre: vì mua theo đĩa Nhật nên không biết chính xác thuộc về đĩa số thứ mấy.

    - La Bohème
    - Chez Laurette
    - La Reine De Saba
    - Sans toi Je Suis Seul
    - Emmanuelle
    - L'amour d'aimer
    - Eux
    - Little Girl
    - Le Canon De Pachebel
    - Adagio Cardinal
    - Aria de Bach
    - Io Che Non Vivo
    - Da Troppo Tempo
    - La Maison Est En Ruine, v.v.

    Franck Pourcel: hoctro ít mua đĩa ông này, chỉ khoảng 5-6 đĩa compilations thôi:

    - Concorde
    - Fascination
    - Petite Fleur
    - Chante Comme Si tu Devais Mourir Demain
    - Feelings, v.v.
    - Có một đĩa compilation của những bài Beatles và ABBA cũng rất hay.

    Nói chung, theo thiển ý thì nhạc Franck Pourcel rất bình tĩnh, nhẹ nhàng, không phải suy nghĩ nhiều khi nghe. Raymond Lefevre thì rất có cá tính, có nhiều bài nghe rất cảm động như L'amour d'aimer, Eux, Sans toi je suis seul, La maison est en ruine. Rất tiếc là Raymond dành nhiều thời gian cho nhạc phim, nên số lượng hòa tấu dường như it hơn Paul, là người chuyên tâm vào nhạc easy listening toàn phần.

    Phim Pháp đúng là chậm hơn phim Mỹ nhiều lắm. Dạo này nhờ xem TV5Monde mà hoctro theo dõi một số phim, thấy nó hay một cách khác, không như phim Mỹ,

    Vâng, ông thầy của saigonnais quá đúng rồi, nghe nhạc không lời để thưởng thức giai điệu và các diễn tiến. đối thoại khác giữa các sections trong ban nhạc với nhau.

    Thân mến,

    ReplyDelete
  5. Dĩa Soul symphony của RL có lẽ là dĩa Le canon de Pachebel nếu có luôn bản 40 eme symphonie của Mozart,Gu nghe nhạc của bạn gần giống như tôi chỉ khác một chút những bản nhạc bạn thích nghe thì tôi lại thích nghe bản có lời hơn :)
    Trang nhà bạn nhiêu bài thú vị lắm từ từ tôi sẽ đọc hết,Cám ơn bạn đã bỏ thời gian sưu tầm cũng như viết bài cho mọi người thưởng thức.
    Thân.

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn Saigonnais đã ghé thăm, hoctro có sưu tầm một post những bài nhạc Franck Pourcel ở đây, cũng như các ban nhạc khác:

    http://hoctroyoutube2010.blogspot.com/2014/12/franck-pourcel-by-francoise-pourcel.html

    Raymond Lefrere cũng được site GrandOrchestra ưu ái dành riêng cho một site riêng:

    http://www.grandorchestras.com/lefevre/albums/lefevre-visual-discography.html

    và điều bạn nói là đúng quá rồi, hai bài đó cùng chung trong đĩa Soul Symphony phát hành năm 1971.

    http://www.grandorchestras.com/lefevre/albums/71soulsymphonies.html

    Phải nói là hoctro thích nhạc cổ điển kiểu Raymond hơn là của Paul, tuy biết 3 đĩa "Classic In the Air" trước.

    Như vậy đĩa đó còn bài Adagio Cardinal hoctro cũng thích nữa. Câu violon khoảng 1:20 contrepoint thật da diết. Do vậy mà hoctro mới nói nhạc ông này thiết tha, có cá tính hơn Franck. Cách đây 20 năm hoctro nghe nhạc Raymond này từ cassette tới độ nhão luôn, sau đó may quá đi chơi qua Pháp mua được 9 CDs có gần hất các bài hay nhất của Raymond. Có lẽ hôm nào có đủ kiên nhẫn sẽ nghe lại và điểm những bài hay nhất của ông.

    Thân mến,

    ReplyDelete
  7. Vào khoảng năm 1976,một người bạn đi du học bên Pháp về VN chơi tặng tôi 4 dĩa 33tours gồm 3 dĩa Paul Mauriat (L'enfant et l'oiseau,Le premier pas,..) và 1 dĩa Raymond Lefevre (Soul symphony) lúc đó rất quý,Nếu thời gian đó bạn còn ở VN chắc biết quán café Lữ quán do 1 người tên Minh làm chủ ,anh chàng này mựợn tôi bộ dĩa PM và thâu lại tất cả để mở cho khách của quán thưởng thức và hình như có ai thâu lại để bán lậu nữa,Thât ra 3 dĩa này không hay bằng những dĩa trước nhưng vì thời gian đó bị cấm nhạc ngoại quốc nên chỉ có nhạc instrumental là thoát.
    Không nhớ trong dĩa nào của FP có bản Blue concerto rất hay, FP chơi bản L'enfant roi cũng tuyệt,một hãng nào đó phát hành băng nhạc VN trước 75 có thâu bản này làm nền trước khi vào chính thức các bản nhạc khác.
    Yes,bản Adagio Cardinal hay đó,album bản nhạc hay đều hết .PM có album For ever & ever cũng vậy.
    Thân,

    ReplyDelete
  8. Dạ, lúc 76 hoctro chỉ mới học ... lớp 4 thôi, chưa đủ tuổi ngồi quán café :-) Do đó xin phép gọi Saigonnais là anh cho phải phép. Điều đó cũng giải thích vì sao những nhạc mà anh thích của thập niên 70 do ca sĩ hát thì hoctro chỉ biết qua nhạc hòa tấu, vì không được nghe khi chúng ra đời.

    Tình cờ tiếp chuyện với anh, làm research về Franck Pourcel mới biết con gái của ông là bà Francoise Pourcel đang hợp tác cho phát hành lại một số đĩa, mỗi bộ gồm 4 đĩa nhưng giá chỉ rẻ ngang giá của PM, khoảng 25+ USD. Chắc là hoctro sẽ mua và nghe từ từ. Nhạc FP nghe bình tĩnh, thoải mái, có vẻ đẹp riêng, tuy hoctro vẫn thích nhạc của hai ông kia hơn.

    http://www.amazon.com/Coffret-2014-Albums-Franck-Pourcel/dp/B00JQG9RTY/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1420061630&sr=8-1&keywords=franck+pourcel

    Bà Francoise quảng cáo nhạc:

    https://www.youtube.com/watch?v=7N6YUUdxmLA

    Thân mến,

    ReplyDelete
  9. Tôi biết chắc anh nhỏ tuổi hơn tôi khá nhiều vì theo các bài viết thì vào thời gian tôi mê PM anh chắc chưa hút thuốc uống café :) tuy nhiên tôi khâm phục kiến thức tìm hiểu về nhạc của anh,hơn tôi rất nhiều.Đúng là tuổi trẻ tài cao.Khi năm 80 tôi định cư tại hải ngoại thì chỉ theo dõi chừng 2,3 năm về nhạc PM,FP,RL và các top ten nhạc rock,pop sau đó là cày mút chỉ nên không còn thời gian theo dõi nữa.
    Đúng ra tôi học hỏi về nhạc PM qua Lê hựu Hà,một thời bán dĩa nhạc lề đường sau 30/4 trở thành người bạn cung cấp những dĩa hòa tấu mà tôi thiếu.Qua hải ngoại quen Trường Kỳ học thêm một số kiến thức về các ban nhạc rock,pop,dĩ nhiên toàn là những ban nhạc hay ca sĩ nổi tiếng vào thập niên 60-70.
    Sau này không còn nhiều thời gian để theo dõi nhạc và up date nữa chỉ thỉnh thoảng biết qua một ít nhạc mới do con cái nghe và giới thiệu,tuy có khác gu nhưng cũng có ca sĩ hợp gu như Sarah Brightman.Spices girls...
    Những bài nhạc vào thập niên 60-70 thường nổi tiếng do có chương trình top ten hay top hit của đài phát thanh Hoa Kỳ ở VN phát ra đều đặn mỗi ngày,lúc đó thật tình tiếng Mỹ tôi nghe như vịt nghe sấm có hiểu gì đâu, nhưng nhạc thì mình cảm được giai điệu hay hoặc dở,trừ nhạc Pháp.
    Nhiều bài viết của anh rất gía trị cũng như kiến thức rất rộng,khó có người nào được như anh ở hải ngoại.
    Rất cám ơn anh đã post những bài đưa tôi về qúa khứ một thời tuổi trẻ vui chơi.
    Thân.

    ReplyDelete
  10. Dạ, hoctro cám ơn lần nữa anh Saigonnais đã trả lời. Xin phép gọi tiếp bằng anh cho trẻ trung một chút. Hoctro hồi ở Saigon 75-90 thì cũng vẫn yêu thích nhạc Anh Pháp Mỹ mà các ns mình dịch lời Việt, rồi lại học ban Pháp nữa nên vẫn mê nhạc Pháp. May khi sang Mỹ nhờ có internet, Blogger và nhất là Youtube mới có dịp tìm hiểu thêm nhiều thứ mình thích.

    Chúc anh Saigonnais và gia quyến một năm mới 2015 an khang, dồi dào sức khòe.

    Thân mến,

    ReplyDelete
  11. Bonne et heureuse année 2015 mon ami.

    ReplyDelete
  12. Bạn sẽ cảm thấy là nhạc mới bây giờ tuy cũng hay, như nhạc cô Adele hay Taylor Swift, New Directions, Ariana Grande, Selena Gomez, hay cả những bài trong phim Frozen chẳng hạn, nhưng về cấu trúc, sự phát triển và biến đổi tiết tấu, giai điệu, hai thập niên 60 làm đầu tàu và 70 kế thừa ăn đứt nhạc bây giờ bạn ạ.

    => điểm này rất đồng suy nghĩ của mình. Post dài quá chưa đọc kỹ, thấy bạn khỏe là mình vui mừng . Chắc đóan được là ai há :)

    Chúc bạn và gia quyến một năm mới an khang thịnh vượng ! Nhất là sức khỏe nha Học Trò !

    ReplyDelete
  13. Hoctro chúc Leaqua và gia đình một năm mới 2015 nhiều sức khỏe và niềm vui!!!

    Nhạc mới bây giờ chán quá! Suốt cả năm chỉ có hai bài nghe được: "Happy" của Pharell và "Let it Go" nhạc film! Trong phim mới Annie cũng có nhiều bài xuất sắc về mặt hòa âm, bài chuyển cung liên tục.

    Nói về chuyển cung, nghe nhạc Pháp mãi mà không hiểu sao lại bỏ sót bài này, Belle.Trang giaidieuxanh này có nhiều post rất hay!

    http://diendan.giaidieuxanh.vn/index.php?showtopic=3167

    video:

    https://www.youtube.com/watch?v=KUXGVfmrEN4

    Có gì rảnh vào nghe chơi Leaqua.

    Chúc vui!

    ReplyDelete
  14. Gõ cái commen xong bay hết, hic

    Mình kết Garou ( người đứng giữa trong ba người hát Belle) lâu rồi và nghĩ mãi chưa ra lời việt vì thích Garou hat bài "Je n'attendais que vous"

    Gần đây mê chord bài Across the Universe (bài không nổi tiếng của Beatles), mình nghe cả tháng trời không chán. Thằng youtube nó hăm he mình vi phạm bản quyền cái video "song kiếm hợp bích" , mình thấy tài khoản anh Nicholas Phạm bị xóa, mình sợ bị vậy nên xóa video đó mà đau muốn chết, hehe. Bài đó là bài nhập môn viết lời vỡ lòng, có nước bữa nào quỡn hát lời việt thu mới dám quăng lên ytube được :)

    Năm nay (âm lịch) sắp hết rồi, ráng thoi thóp qua năm tuổi mình cũng nhiều chuyện không suôn sẻ nên mình tự kỷ blog luôn, hehe

    Vui nha sư phọ ! Nghỉ lễ mới tám chứ trong cơ quan, tui vượt tường lửa vô blog you ko coi được vì để mẫu giao diện tự động này nó ra có cái cây tiêu đề thui, hic. . bài trống trơn hè. Cái yahoo call ông chế lúc trước tử nạn rồi mới thấy cái hoctroyoutube làm đầu tiên là ngon cơm nhứt hen, kha kha ...

    ReplyDelete
  15. Hi Leaqua,

    Thế rồi tình hình sáng tác lời nhạc ra sao rồi, có thêm bài mới nào không? Mà phải là bài vui chứ không là bài buồn, hoctro dạo này tránh xa mấy bài depressed!!! Có gì mở blog lại cho bà con vào cùng xem với?

    Cheers!

    ReplyDelete

Raymond Lefèvre's orchestral music: timeless or will be forgotten?

 In this short article, the author hopes that if readers have heard the orchestral music of Raymond Lefèvre (abbreviated: RL), they will rem...