“Trên Ngọn Tình Sầu” là một trong những nhạc phẩm hay nhất của nhạc sĩ Từ Công Phụng (TCP), được phổ nhạc từ một bài thơ khổ 8 chữ của thi sĩ Du Tử Lê. Nhạc sĩ đã nắm bắt được cái “hồn” của bài thơ rồi phổ thành một nhạc phẩm mà trong đó không còn chút dấu vết nào là phổ từ thơ nữa.
Có lẽ trong giới “trẻ” sanh trước và sau biến cố 1975 một chút, hầu hết chúng tôi biết bài nhạc này không những muộn, mà còn biết trước khi biết bài thơ dưới tựa đề “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu” do thi sĩ Du Tử Lê sáng tác năm 1967. Cũng như nhiều lần thắc mắc trước đây, tôi thử tìm đọc bài thơ để thưởng thức những lời hay ý đẹp của nguyên tác. Tôi cũng có ý tìm tòi các chi tiết mà Từ nhạc sĩ đã dụng công – để làm cho ý thơ hòa quyện vào nhạc, làm thành một sáng tạo, một kết hợp kỳ diệu – tôi với người chung một trái tim – mà năm mươi năm sau vẫn còn được thính giả Việt Nam ưa chuộng. Sau đây là những suy nghĩ vụn của tôi về nhạc phẩm.
Trước tiên chúng ta hãy xem lại bài thơ khổ 8 chữ, trong đó các chữ in đậm đã được Từ nhạc sĩ dùng để làm thành lời ca của bản nhạc. Có 112 chữ được dùng trên tổng số 208 chữ, tức là xấp xỉ trên một nửa (54%) bài thơ. Gần nửa đoạn hai của bài thơ đã không được cho vào bài nhạc, có lẽ vì cho vào những chi tiết như “tôi .. vỡ tiếng”, “con dế nhỏ”, “cây niên thiếu” không phù hợp lắm với chủ đề chính của bài nhạc, làm bài loãng đi chăng? Có lẽ vì thế mà câu con dế buồn tự tử giữa đêm sương trở nên khó hiểu, trong khi chi tiết bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ không được thắc mắc lắm vì chúng đã được giới thiệu ở đầu bài (bầy sẻ cũ hom hem)?