“Trên Ngọn Tình Sầu” là một trong những nhạc phẩm hay nhất của nhạc sĩ Từ Công Phụng (TCP), được phổ nhạc từ một bài thơ khổ 8 chữ của thi sĩ Du Tử Lê. Nhạc sĩ đã nắm bắt được cái “hồn” của bài thơ rồi phổ thành một nhạc phẩm mà trong đó không còn chút dấu vết nào là phổ từ thơ nữa.
Có lẽ trong giới “trẻ” sanh trước và sau biến cố 1975 một chút, hầu hết chúng tôi biết bài nhạc này không những muộn, mà còn biết trước khi biết bài thơ dưới tựa đề “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu” do thi sĩ Du Tử Lê sáng tác năm 1967. Cũng như nhiều lần thắc mắc trước đây, tôi thử tìm đọc bài thơ để thưởng thức những lời hay ý đẹp của nguyên tác. Tôi cũng có ý tìm tòi các chi tiết mà Từ nhạc sĩ đã dụng công – để làm cho ý thơ hòa quyện vào nhạc, làm thành một sáng tạo, một kết hợp kỳ diệu – tôi với người chung một trái tim – mà năm mươi năm sau vẫn còn được thính giả Việt Nam ưa chuộng. Sau đây là những suy nghĩ vụn của tôi về nhạc phẩm.
Trước tiên chúng ta hãy xem lại bài thơ khổ 8 chữ, trong đó các chữ in đậm đã được Từ nhạc sĩ dùng để làm thành lời ca của bản nhạc. Có 112 chữ được dùng trên tổng số 208 chữ, tức là xấp xỉ trên một nửa (54%) bài thơ. Gần nửa đoạn hai của bài thơ đã không được cho vào bài nhạc, có lẽ vì cho vào những chi tiết như “tôi .. vỡ tiếng”, “con dế nhỏ”, “cây niên thiếu” không phù hợp lắm với chủ đề chính của bài nhạc, làm bài loãng đi chăng? Có lẽ vì thế mà câu con dế buồn tự tử giữa đêm sương trở nên khó hiểu, trong khi chi tiết bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ không được thắc mắc lắm vì chúng đã được giới thiệu ở đầu bài (bầy sẻ cũ hom hem)?
67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu
hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân ngỏ cũng không về
cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người
tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh
môi thâm khô từ thuở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
tay trông ngóng hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa thở ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lời ai say cho trời đất lại gần
kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người
tôi èo uột từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên.
Tôi cảm thấy tiêng tiếc khi những câu sau không hiện diện trong bản nhạc: nôi tương tư cỏ ấm thịt da người, hay là ngọn me xa thở ký ức rì rào.
Tiếp đến là ca từ, những dấu “slash” (/) do tôi thêm vào để chia ra từng câu nhỏ, vì ở những chỗ đó nốt nhạc dài hơn các nốt khác (môt nhip rưỡi trở lên):
Hạnh phúc tôi / hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau / ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt / khôn cùng.
Bầy sẻ cũ hom hem / Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ / Cũng không về
trên dòng sông tội lỗi.
Tôi / nghe hắt hiu / từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô / từ thuở định hôn người.
Ngày tháng hạ / khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng / như sương mờ lạnh ngắt.
Sao khi không / người ngoảnh mặt kiêu sa.
Chiều qua đó chân ai / còn ríu rít âm thưa.
Lời ai ru như mơ / cho trời xuống thật gần.
Người trông ngóng hương xưa / mùi mái tóc đêm mưa.
Nhẹ theo lá oan khiên / lả tả mái hiên người.
Tôi / nghe hắt hiu / từ mắt em ngắt tạnh.
Còn dế buồn / tự tử giữa đêm sương.
Bầy sẻ cũ / cũng qua đời lặng lẽ.
Em ở đó / bờ sông còn ẩm cát.
Con sóng tình / vỗ mãi một âm quên.
Ngay từ câu đầu tiên, nhạc sĩ đã thiết lập một nhạc đề tán thán ba chữ (Hạnh phúc tôi) và lập lại ngay câu đó, lập tức gây được sự chú ý. Rồi ông tiếp nối với hai câu có 3 chữ liền nhau khác
Hạnh phúc tôi / hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Từ câu thơ đầu tiên (hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn), ta có thể nói là câu này không có nhạc tính gì hết, nhất là chữ “lớn” sau cùng. Thế mà ns TCP đã “chẻ” ra được thành một câu có đầy đủ lớp lang, nhạc đề được lập lại 3 lần theo cung nhạc (sol fa mi, sol mi re, si re la, si do sol) và từ từ dịch chuyển ( .. mi -> ..re -> .. la -> ..sol) đề kết về nốt Sol. Tôi cho đây là một tài tình của người nhạc sĩ, biến không thành có.
Sau khi ns TCP giới thiệu ta một nhạc đề 3 chữ, ông giới thiệu tiếp một biến thể bằng cách lập lại câu tán thán nhưng nay thay vì ba chữ thì thành bốn chữ (Hạnh phúc tôi / hạnh phúc tôi => Ngoài trời mưa mau / ngoài trời mưa mau) tạo một chuyển động nhanh hơn, ta như thấy đâu đây trong ký ức những cơn mưa nhanh mùa hạ đang bất thần trút xuống Sài gòn. Câu thứ hai này cũng có cung nhạc vươn từ từ lên tới nốt do, và kết ở nốt Mi, cũng thuộc hợp âm chủ Do major.
Ngoài trời mưa mau / ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt / khôn cùng.
Sau cùng, nhạc sĩ tiện tay giới thiệu luôn một biến thể năm chữ của nhạc đề (Tay vuốt mặt / khôn cùng). Vì những giới thiệu sớm sủa này, người nghe đã không bỡ ngỡ khi nghe các biến thể của giai điệu trong khi cấu trúc nhịp điệu của mỗi câu về căn bản là 5 + 5, 5 + 3, như ở đoạn tiếp theo của phiên khúc, cũng ở những nốt cao lúc đầu câu, rồi từ từ tịnh tiến đi xuống và kết thúc ở nốt Mi:
Bầy sẻ cũ hom hem / Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ / Cũng không về
trên dòng sông tội lỗi.
Sang phiên khúc hai, tuy không là câu lặp, nhưng do có chữ Tôi ở đầu câu (nhắc khéo từ nhạc đề hạnh phúc tôi đầu bài), nên thính giả đã không ngỡ ngàng cho lắm. Thật vậy, tuy những giai điệu theo sau lên xuống hơi khác với phiên khúc một, nhưng vì ns TCP đã khéo léo dùng những cấu trúc câu đã giới thiệu từ trước (1 + 3 + 5, rồi 3 + 5), cộng với cấu trúc đoạn nhạc (form) giản dị, nên thính giả không bị hụt hẫng khi thưởng thức đoạn này:
Tôi / nghe hắt hiu / từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô / từ thuở định hôn người.
Ngày tháng hạ / khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng / như sương mờ lạnh ngắt.
Sao khi không / người ngoảnh mặt kiêu sa.
Đặc biệt, vì những câu 3 + 5 = 8 chữ này đã có sẵn trong thơ của Lê thi sĩ, nên nó quá phù hợp, nếu có phải sửa chữ thì Từ nhạc sĩ cũng chỉ sửa nhẹ cho phù hợp với luật bằng trắc trong nhạc, hay làm ca từ dịu dàng hơn (điêu ngoa => kiêu sa), hay thêm vào một câu cho đủ độ dài đoạn nhạc. Thí dụ như các ca từ trước được lấy gần như nguyên văn từ các câu thơ sau:
tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh
môi thâm khô từ thuở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
Phiên khúc 3 cũng có hai câu được đem “nguyên xi” từ thơ qua nhạc như vậy:
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Trở lại điệp khúc của nhạc phẩm, tôi cảm nhận là giai điệu nghe rất nhuyễn, có lẽ một phần vì đã dùng trước giai điệu của phiên khúc bên trên (chỗ Bầy sẻ cũ hom hem / Chiều mái xám rêu xanh), phần khác là vì điệp khúc đã được khai triển mới lạ về form, cho đoạn thành 4 câu, mỗi câu 10 chữ. Giai điệu cũng rất quyến rũ, nó vút lên từ đầu rồi từ từ cho “trời” cúi “xuống thật gần” ở cuối câu thứ hai, lại vút lên câu thứ ba rồi “lả tả” rớt về nốt chủ âm Do.
Chiều qua đó chân ai / còn ríu rít âm thưa.
Lời ai ru như mơ / cho trời xuống thật gần.
Người trông ngóng hương xưa / mùi mái tóc đêm mưa.
Nhẹ theo lá oan khiên / lả tả mái hiên người.
Thưa, nhạc lên xuống đều đều như vậy để làm gì? Tôi trộm nghĩ, cũng là với dụng ý làm cho lời ca hòa hợp với nhạc. Ở đây, tài hoa của Từ nhạc sĩ là ở chỗ những câu nhạc vút nhanh rồi từ từ đi xuống đã mô tả thành công những con sóng nhạc – phiên khúc, phiên khúc, điệp khúc, phiên khúc – liên tiếp vỗ vào bờ sông, như được mô tả ở cuối bài:
em ở đó bờ sông còn ẩm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên.
Hai câu cuối này nhạc sĩ để nguyên lời ca và tiết tấu thơ của thi sĩ. Chẳng có gì cần phải thêm hay bớt chữ nữa, vì những thêm bớt, giới thiệu cấu trúc, cho lặp lại những câu nhạc – những con sóng tình – ở trên cũng đều nhằm vào việc mang cho được hai câu thơ vào cuối bài nhạc để thành kết luận.
Hai câu thơ của bài thơ “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu” vốn đã đắt giá – là một hình ảnh thật quyến luyến, gợi nhớ nhiều kỷ niệm – lại càng đắt giá hơn khi nó trở thành lời ca:
em ở đó bờ sông còn ẩm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên.
Vỗ mãi một âm quên, quả thật là một nghịch lý, nghịch lý của tình yêu!
Trên đây là một vài nhận xét và cảm nghĩ nhỏ về nhạc phẩm “Trên ngọn tình sầu”, như một lời tri ân đến thi sĩ Du Tử Lê về nhưng bài thơ ông viết, nhất là những bài thơ đã được đem vào nhạc thành những tình ca bất tử. Xin cảm ơn nhạc sĩ Từ Công Phụng đã có một sáng tạo mà nửa thế kỷ qua vẫn đứng vững với thời gian.
Học Trò
10/16/2019
Tài liệu tham khảo:
Du Tử Lê – tôi với người chung một trái tim – NXB Sống 2014
Nghe danh ca Tuấn Ngọc trình bày nhạc phẩm:
https://www.youtube.com/watch?v=PCWijsAn_oA
No comments:
Post a Comment