9.20.2009

Nhạc sĩ Phạm Duy đã học cách sáng tác nhạc như thế nào?

Update 4/2010: Xem chính nhạc sĩ đã "học và hành" cách sáng tác nhạc ở đây:

http://www.phamduy2010.com/02sokhao/

****

Một câu hỏi được đặt ra – mà những ai là “fan” của nhạc sĩ chắc cũng đều muốn biết - nhạc sĩ đã học cách sáng tác nhạc như thế nào. Tìm hiểu kỹ lưỡng quyển “Phạm Duy –Hồi Ký Một” sẽ cho bạn một lời giải đáp rất thỏa đáng.
Năm 1942 chứng kiến sự ra đời tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ là nhạc phẩm Cô Hái Mơ, phổ thành nhạc theo thơ Nguyễn Bính. Theo lời thuật của tác giả thì bản nhạc “giản dị là sự tùy hứng phổ nhạc những câu thơ mới” và “vì phải theo prosody của thơ nên tiết điệu cũng đơn sơ, dù đã có chia đoạn khác nhau trong cơ cấu.”


Điểm đáng kể trong bài nhạc đầu tay này, theo thiển ý, là nhạc sĩ đã “vô tình” sử dụng những thang âm ngũ cung khác nhau để sáng tác. Tuy “vô tình”, nhưng vì âm hưởng nhạc ngũ cung đã có dấu ân từ thủa ấu thời và tuổi bước vào đời, như tôi sẽ dẫn chứng một số chi tiết cũng trong bài viết này, mà rất tự nhiên nó là một phần chính xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ.

Hãy xem tác giả đánh giá tiếp bài nhạc đầu tay của mình vào năm 2009, gần 70 năm (!) sau khi nhạc phẩm chào đời:

“Tôi vô tình chọn một hệ thống âm giai ngũ cung để phổ nhạc, cho nên trong đoạn 1 của Cô Hái Mơ, motif là nét nhạc đi xuống fa mi re do, có repetition và imitation đi lên sol mi do fa... giai điệu nằm trong một hệ thống ngũ cung có nốt giáng :
Fa sol la do re mi (mib) hay Do re mi (mib) fa sol la




Về cấu phong, tiết tấu trong đoạn 1 phải là Lento : chầm chậm, kể lể, lãng mạn. Chú ý : chữ và -- trong câu khí trời trong sáng và êm ái -- được giảm xuống nửa cung, gây sự êm ái, mơ mộng.
Trong đoạn 2 này, giai điệu nằm trong ngũ cung do re fa sol la với 2 chuyển hệ fa sol lab do re mib (hai cung sau không dùng đến) và fa sol sib do re.

Tiết tấu phải có sự hoạt động (mouvemented), nhộn nhịp, đon đả... vì là cuộc tán tỉnh của Nguyễn Bính/Phạm Duy với cô sơn nữ...





Trong hai năm tiếp theo, 1943 và 1944, nhạc sĩ sáng tác ba nhạc phẩm khác là Gươm Tráng Sĩ, Phương Trời Xa, Con Ðường Vui (đồng soạn với Lê Vy) mà theo ông,

Qua tới những bài sau đó như Gươm Tráng Sĩ, Cây Đàn Bỏ Quên, giai điệu của tôi vẫn chưa phải là gamme phamduyrienne, tôi soạn theo gamme diatonique có chủ thể (tonal), với giọng re mineur (“ton” re thứ) mà ai cũng dùng, kể từ Lê Thương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đỗ Nhuận v.v...
Nhạc sĩ học hỏi từ rất nhiều nguồn khác nhau. Những trích đoạn sau đây đều trích từ Hồi Ký Một.
Nguồn đầu tiên là từ một bà giáo dạy đàn tranh mà mẹ nhạc sĩ đã chu cấp việc ăn ở ngay trong nhà để dùng toàn thời gian dạy đàn cho hai bà chị.

Tuy vậy, trong cuộc sống gia đình, riêng tôi được nuôi dưỡng khá nhiều bằng âm nhạc. Mẹ tôi nuôi một bà đánh đàn tranh người Huế tên là bà Ấm Chung ở ngay trong nhà để dạy đàn cho hai chị tôi đánh những bài Nam Ai,Nam Bình, Lưu Thủy, Hành Vân... Tôi được làm quen ngay với nhạc dân tộc từ khi hãy còn măng sữa. Tôi còn có cảm tính quá nhạy bởi vì tôi khóc khi nghe một người hát rong đến trước cửa nhà, vừa hát vừa xin tiền với hát bài kể chuyện một hành khất mù bị đánh mất gậy. Cái vụ tôi cảm động đến khóc vì bài ca này là đề tài cho cả nhà tôi luôn luôn chọc quê tôi... (Chương 5)
Nguồn thứ hai là từ các “bài ta theo điệu Tây” rất thịnh hành trong thập niên 1930.

Một xu hướng đi tìm không khí mới cho âm nhạc Việt Nam đã thực sự ra đời khi nghệ sĩ Tư Chơi khẳng định đường lối soạn nhạc của ông. Ông soạn một số bài hát mà ông gọi đích danh là bài ta theo điệu Tây. Hoặc ông dùng nguyên vẹn những điệu Tây, chẳng hạn điệu Hoài Tình của ông, rất
phổ biến trong giới Cải Lương, có thể khởi sự từ bài Tabou, bài này, theo tôi, cũng còn là bài đẻ ra nhiều bản đầu tay của một số mầm non nhạc sĩ vào hồi Tân Nhạc mới được thành lập.


Cùng một lúc với việc anh Tư Chơi tung ra trên sân khấu loại hát anh gọi là bài ta theo điệu Tây, thì trong giới yêu nhạc, với đa số là nam nữ trong tuổi thanh xuân, cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát Tây do các ca sĩ thời thượng như Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... hát vào đĩa hát 78 tours.

Các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trẻ, đẹp, hát hay như Ái Liên, Kim Thoa, lại được hãng BéKa, một chi nhánh của hãng Pathé bên Pháp mướn để thu thanh các bài ta theo điệu Tây vào dĩa hát. Suốt mấy năm liền, từ 1935 cho tới 1938, rất nhiều các bài hát của Pháp như Marinella, C'est À Capri, Tant Qu'il Y Aura Des Étoiles, Un Jour Loin De Toi, Celle Que J'aime Éperdument, Les Gars De La Marine, L'oncle De Pékin, Guitare D'amour, Créola, Signorina, Colombella... và của Mỹ như Good Bye Hawaii, South Of The Border... đã được phổ biến mạnh mẽ với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm.


Trong mấy chục bài ta theo điệu Tây của hồi giữa thập niên 30, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vài bài, chẳng hạn bài hát theo điệu C'est À Capri :

C'est à Capri que je l'ai rencontrée
Je fus charmé encore plus que surpris.
De mille fleurs elle était entourée
Au milieu d'un jardin de Capri
Tout comme dans un poème
Me voyant elle me sourit
Je lui ai dit : je vous aime.
C'était au pays de Capri.
. . . . . . . . . . . . .
Ngày đua xe hoa năm đã qua bao tình sâu xa
Còn như in sâu trong trí tôi bao ngày vui qua.
Người mà tôi yêu, tôi đắm say, tôi hằng mơ
Đến với tôi, trong ngày vui, trong hội hoa.
Ngày nay anh tới đây, đợi chờ nắng
Mà sao em nỡ sao, em biệt bóng ?
Lòng anh ôi chứa chan mối tình ái
Lời thề nguyền non nước em đành sai...

Vào đầu thập niên 30, mỗi lần các gánh hát Cải Lương ở trong Nam ra Bắc trình diễn thì các minh tinh như các đào Năm Phỉ, Phùng Há, Kim Thoa các kép Năm Châu, Bẩy Nhiêu, Tư Chơi ngụ tại Hotel Đồng Lợi (?) ở đường Bờ Hồ, ngay gần nhà tôi. Tôi tò mò tới đứng ngoài cửa khách sạn, ngó qua cửa kính nhòm vào phòng ăn, thấy sao họ có thể đẹp đẽ sang trọng như người ngoại quốc thế kia ? Tôi không thể ngờ rằng có ngày tôi đứng chung trên một sân khấu với Tư Chơi hay Năm Châu tại Saigon trong thời gian trước và sau cuộc Cách Mạng-Kháng Chiến.

Làm sao mà chúng tôi không thích những bài ta theo điệu Tây cho được ? Trước hết, những bài mà tôi vừa dẫn kể ở trên, không những rất hay về ý nghĩa (lúc đó chúng tôi cũng đã giỏi tiếng Pháp lắm rồi) lại còn được những giọng hát ngọt lịm của Tino Rossi, lanh lảnh của Rina Ketty, hài hước của Georges Milton hay bình dị của Albert Préjean... làm tăng giá trị. Rồi bây giờ lại còn được Mai Lâm soạn những lời ca rất phù hợp với tuổi mơ mộng của chúng tôi. Đã có những hội ''Ái Tino'' được thành lập. Một thanh niên có giọng hát tốt, sau này là một nhạc sĩ được nhiều người biết tới, nhạc sĩ Canh Thân, bắt đầu cuộc đời ca hát của anh bằng cái tên Tino Thân. (Chương 8)

Nguồn thứ ba là từ các đĩa hát từ người anh Phạm Duy Khiêm:

Đây là lúc tôi đã mê hát và thích nghe nhạc lắm rồi ! Anh Khiêm đem ở Tây về rất nhiều đĩa hát và tôi thường lấy trộm để nghe.Tôi đã thuộc lòng những bản nhạc cổ điển như Sérénade của Schubert, Élégie của Massenet và những aria trong các opéra như Le Barbier De Séville của Mozart hay La Norma của Bellini. Tôi cũng hay nghịch ngợm với các điệu hát cổ điển này bằng cách thay đổi âm thể (mode) của bài hát. Ví dụ bài Sérénade của Schubert là trong âm thể ''minơ'', tôi thử hát với âm thể ''majơ'' để thấy sự khác biệt của tình cảm khi bị chuyển thể. (Chương 12)
Nguồn tài liệu thứ tư là ở cuốn sách Lavignac:

Sự học hỏi của tôi về nhạc thuật theo đường lối Âu Tây chỉ mới đóng khung trong sự nghe đĩa nhạc cổ điển của anh Khiêm mang từ Pháp về, trong sự đọc ngấu nghiến những bài học nằm trong cuốn sách dạy nhạc của LAVIGNAC tôi mua được ở Hà Nội từ lâu, nay là sách gối đầu ghế bố. Trong sự mò mẫm tự học đánh guitare và sự hoà đàn hằng đêm với ban nhạc Tây ở trong gánh hát. Tôi đã thuộc lòng nhiều bản nhạc hoà tấu là những bản nhạc bán cổ điển hay nhạc khiêu vũ rất nổi danh. Về nhạc cổ truyền, ngoài việc được nuôi dưỡng bởi những đám hát xẩm ở phố Bờ Hồ, bởi nhạc đàn tranh của bà Ấm Chung ở phố Hàng Dầu trong những năm còn bé, như hát quan họ ở Nhã Nam khi tôi là một anh nông dân đa tình... (Chương 20)


Cũng chính là quyển sách này mà nhạc sĩ đã không ngần ngại tặng lại cho người bạn mới quen là Trần Văn Khê khi hai người mới quen nhau ở Vĩnh Long.

… Bạn cùng nghề và sẽ dính líu với mình suốt đời là Lê Thương, đang ở Bến Tre, hớt hơ hớt hải từ một đồn điền nào đó ra nghe tôi hát. Là Trần Văn Khê ở Vĩnh Long, hãy còn là thư sinh nhưng không mình hạc vóc mai mà to béo như ông Hộ Pháp, tới nghe hát rồi chúng tôi kéo nhau ra một nhà thủy tạ ở bờ sông gọi là Cầu Lộ, ngồi nói chuyện huyên thuyên tới 3 giờ sáng vẫn chưa hết chuyện. Tại Vĩnh Long, tôi cho Trần Văn Khê mượn cuốn sách dạy nhạc của Lavignac mà tôi coi như một bảo vật. Yêu bạn nên sẵn sàng trao bảo vật. Trải qua một cuộc chiến dài dòng và khốc liệt, sau hơn 30 năm, khi tôi qua Florida, Hoa Kỳ vào năm 1975, từ Paris Trần Văn Khê gửi trả lại tôi cuốn sách đó, sách vẫn còn y nguyên, không mất một trang nào, không mất một dòng chữ nào của tôi ghi chú trên những trang sách đó. (Chương 27)
Với tính tò mò cố hữu, tôi thử truy tìm dấu vết của quyển sách “Lavignac” này. Thời đại “Google Search” quả thật tuyệt diệu, tôi không những tìm ra tên quyển sách, mà còn được xem nội dung của nó nữa. Quyển sách đã quá thời hạn 100 năm bản quyền nên được tự do scan và lưu hành trên liên mạng. Tôi cũng đã điện thư hỏi thăm nhạc sĩ và gửi ông quyển e-book này. Ông xác nhận đấy chính là quyển sách “gối đầu ghế bố” của ông.

Tuy vốn tiếng Pháp của tôi rất giới hạn, nhìn vào nội dung quyển sách tôi cũng thấy lý thuyết nhạc được mô tả rất cặn kẽ. Chẳng hạn, tôi có kể với bạn đọc (trong bài viết phân tích nhạc phẩm “Hoa Rụng Ven Sông”) là tôi học được về dãy hòa điệu (harmonic series) trong quyển “Melody in Songwriting”, thì trong quyển Lavignac, tác giả đã mô tả hiện tượng này từ khuya rồi!


Ngoài việc trình bày rốt ráo sự hình thành của dãy hòa điệu, tác giả cũng mô tả cặn kẽ các loại nhạc cụ như đàn dây, sáo, bộ gõ, rồi đến nhạc ngữ (grammaire de la musique) bao gồm hòa âm, đối điểm. Sau cùng, Lavignac dành một chương dài điểm danh các danh nhân âm nhạc tây phương qua các thời kỳ.

Sau cùng, nguồn tài liệu mà ông học hỏi từ lúc ấu thơ tới lúc trọng tuổi, không gì khác hơn là trường đời, mà ông gọi với danh xưng viết hoa là ĐẠI HỌC NHÂN DÂN. Từ những chuyến đi xa về làng quê:

Học về đồng ruộng nhiều hơn là học về vỉa hè, tôi lại có may mắn được về sống với vú tôi tại Trạm Trôi vào lúc tâm hồn tôi còn trong trắng, tôi biết được cái khổ hay cái sướng của một em bé quê ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ... để mấy chục năm sau có bài dân ca mới :

Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao... (Chương 4)

Hay học được lối hát quan họ từ anh nông dân tên Xuân:

Ngày ở Ấp Lan Giới, tôi được anh nông dân tên là Xuân dạy tôi hát quan họ. Nhưng dưới thời Pháp thuộc và vào năm 1943 này, tục lệ đáng yêu là sự tỏ tình qua tiếng hát trong lúc đang làm việc đồng áng đã không còn nữa. Làm gì có chuyện đi trên bờ đê sông đào, được dừng chân nghe tiếng hát lanh lảnh của cô cắt cỏ : Ai đi đường đó, hỡi ai, hay là trúc đã nhớ mai đi tìm ? Để có thể hát câu trả lời rất hợp tình, hợp cảnh : Hỡi cô đang cắt cỏ xanh, có về Lan Giới với anh thì về... Ngay cả cuộc thi hát trong những ngày hội làng cũng ít khi được tổ chức. Nói chung, nhạc cổ truyền từ dân ca, hát hội cho tới nhạc trên sân khấu Tuồng, Chèo đã tàn lụi. Chỉ có Hát Cải Lương -- nhất là Hát Vọng Cổ -- là khởi sắc.

Anh trai làng dáng người thấp bé và có đôi môi đỏ như môi con gái đã dạy tôi hát quan họ và làm cho thú vị vô cùng. Tôi thấy được tất cả sự lạc quan, tính trữ tình của người nông dân Việt Nam trong quá khứ qua những làn điệu vô cùng phong phú. Tại Nhã Nam vào năm 1943 này, không được hát tỏ tình thực sự với một cô thôn nữ nào hay đi dự thi hát ở một hội làng như hội Lim chẳng hạn... thì tôi đành hát chơi trong Ấp Bình Chương vậy.
Sau này chính tôi là người đầu tiên hát bài quan họ sau đây ở Hà Nội vào những năm 45, 46 và trên các Đài Phát Thanh ở Saigon vào những năm 52, 53 :

Gió rằng gió lạnh chứ gió lạnh cái đêm đông trường
Nửa chăn là chăn nửa chiếu ý a
Chứ mấy có nửa giường nửa giường để đó chờ ai ?

Tất cả những bài dân ca hay trường ca tôi soạn ra sau này đều đã được khởi sự nuôi dưỡng từ những ngày tôi sống tại Ấp Bình Chương thuộc Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang. (Chương 16)

Chuyến du hành Bắc Nam với gánh hát Đức Huy – Charlot Miều (từ mùa Thu 1943 đến tháng 3 năm 1945) có lẽ mang lại nhiều chất liệu sáng tác nhất qua việc thâu thập các loại dân ca của từng vùng, việc tai nghe mắt thấy sinh hoạt dân gian, việc kết bạn với các nhạc sĩ của thời kỳ phôi thai của Tân Nhạc.

Tuy là một trong những người đầu tiên đưa ra chủ trương là phải tạo nên một dòng nhạc mới để thay thế cho dòng nhạc cổ nhưng tôi vẫn luôn luôn để tâm nghiên cứu kỹ càng những làn điệu của dòng nhạc bình dân ở từng địa phương để từ đó phát triển lên dòng nhạc cải cách. Sau khi đã nắm được nội dung và hình thức của hầu hết các loại dân nhạc ở miền Bắc như Hát Cò Lả, Hát Quan Họ, Hát Chèo, Hát Ả Đào v.v... vào đầu năm 1944 này, tôi bắt gặp một hệ thống ca nhạc hoàn toàn khác với hệ thống dân nhạc miền Bắc. Lúc còn bé, nghe ca Huế, tôi chưa nhận ra sự khác biệt của hai hệ thống âm giai mà nhà nghề gọi là hơi Nam, hơi Bắc. Bây giờ thì tôi nhận ra sự lơ lớ của cung bực trong những điệu hát mà người ca kỹ đang rót vào tai tôi trong khoang thuyền ấm cúng của con đò cắm sào bên bờ sông Hương.

Khám phá ra tính chất lơ lớ của giai điệu hò huế rồi, tôi sẽ là người đầu tiên ghi âm những bài ca Huế một cách khoa học hơn các bực tiền bối như Hoàng Yến trong loạt bài đăng trong tập san Bulletin Des Amis Du Vieux Huế hay như danh cầm Trần Quang Tồn trong một cuốn sách dạy đánh đàn tỳ bà vào hồi đầu thế kỷ thứ 20.

Ghi âm điệu hò Huế bằng ký âm pháp solfège vào năm 1944 nhưng chưa có cơ hội in ra. Phải tới khi tôi đi kháng chiến tại Thanh Hoá vào năm 1948, gặp Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản MINH ĐỨC thì điệu hò Huế đó mới được in ra trong một nhạc tập nhan đề Những Điệu Hát Bình Dân Việt Nam. Rồi khi tôi di cư vào Saigon, trong năm 1953, tôi lại có thêm một cơ hội nữa để cho ấn hành một bản nhạc rời về điệu hò đặc biệt miền Trung. Trong cả hai ấn phẩm được in ra ở Thanh Hoá và Saigon này, tôi nêu lên một lý thuyết : Âm giai ngũ cung lơ lớ của hò mái nhì khác hẳn với âm giai điều hoà (gamme tempérée) của Âu Tây và âm giai ngũ cung đúng của dân nhạc miền Bắc. Các cung bực của hò huế có những cao độ (intervalles) non hơn hay già hơn các cung bực trong âm giai Âu Tây hay âm giai miền Bắc. Tôi còn vẽ ra một sơ đồ so sánh sự khác nhau của những hệ thống âm thanh đó nữa. Chính vì đặc điểm âm giai lơ lớ này mà các điệu hát miền Trung, đặc biệt là điệu hò Huế, với những nét nhạc mơ hồ như nét nhạc Chàm hay nét nhạc Ấn Độ, đã hấp dẫn người nghe hơn là những điệu ca bình dị của miền Bắc. Trong phần tiểu dẫn in trong ấn phẩm của bài hò mái nhì hay hò mái đẩy, cách đây nửa thế kỷ, tôi đã nói tới sự thần bí của âm giai lơ lớ như sau:

Hò mái nhì hay hò mái đẩy là tiếng nói điển hình của người dân tại một miền nên thơ nhất của nước Việt. Tiếng hát xây dựng trên một hệ thống âm giai lơ lớ đã thể hiện được sự thầm bí của cõi lòng, vì vậy nên dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người nghe hơn là nhạc ngũ cung đúng của miền Bắc. Sự thành tựu của nhịp điệu cũng rất là tế nhị :

Trước Bến à ơ
Văn Lâu ơ
Chiều chiều...
. . . . . . . . . .
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông...

Tiếp theo là những câu thủ thỉ cốt nâng niu ý chính của toàn bài để rồi sẽ kết thúc bằng tiếng nức nở, có nhiều dấu chấm than ( ! ) và dấu chấm hỏi ( ? ):

Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy a rồi
A ơ á ơ
Mái đẩy động tấm ơ ơ lòng
Hơ... ơ à... à ơ
A non nước lơ non à ờ
A a ơi hự...

Lời ca của bài hò Huế trên đây là của một văn gia thuộc lớp người quyền quý ở Huế, Thúc Giạ Thị Ưng Bình. Nội dung có vẻ kích thích lòng yêu nước của người nghe.



Những ngày ở Huế, học hỏi về nhạc cổ truyền, tôi có may mắn được gặp các nhạc sĩ Vĩnh Phan, Bửu Lộc... Trong nhóm này còn có cụ Vĩnh Trân tức Ngũ Đại là anh của vua Duy Tân, đánh đàn tỳ bà rất hay. Những người trong hoàng phái này yêu âm nhạc với tâm hồn phóng khoáng, không như một nhạc công gốc Quảng Trị, người mà tôi nghĩ rằng chỉ nên kéo đàn nhị cho hay chứ không nên lập luận về âm nhạc bằng nửa con mắt và những rất ý nghĩ rất hẹp hòi và nông cạn.

Không một nền nhạc cổ truyền nào có thể tồn tại nếu không có sự cải cách liên tục. Chỉ người ngu dốt mới thần thánh hoá cái cổ rồi cho rằng mọi sự cải cách là bội phản (sic). Ngay lúc đó, tôi đã khám phá ra sự liên tục phát triển của những bài ca Huế. Một số những bài thuộc loại hát lý đã do các nhà giáo vừa mới phóng tác và cho in ra để dạy học trò, ví dụ bài Lý Hoài Xuân. Nghe một bài ca Huế là Tứ Đại Cảnh tôi nhận ra đó là nhạc điệu của bài Khi Tương Phùng trong loại hát quan họ của miền Bắc Ninh. Trong khi nhạc cổ truyền luôn luôn chuyển động thì anh nhạc công mà tôi không yêu đó lúc nào cũng mị dân bằng sự cổ hủ của mình.

Về phần Tân Nhạc, có các nhạc sĩ như Ngô Ganh, Văn Giảng... kéo nhau tới nghe tôi hát Buồn Tàn Thu ở rạp TÂN TÂN rồi sau đó chúng tôi kết thân với nhau. Đã có sự trao đổi kinh nghiệm, trao đổi tài liệu giữa anh ca sĩ chuyên nghiệp và các nhạc sĩ tài tử ở miền sông Hương, núi Ngự.
Tôi đã biết thêm những bài hát mới, chẳng hạn bài Hương Giang Dạ Khúc của Lưu Hữu Phước mà tôi vội vàng hát ngay trên sân khấu gánh ĐỨC HUY.

Lại có thêm Nguyễn Văn Thương tặng cho những bài Trên Sông Hương, Bướm Hoa, Đêm Đông để đánh đàn với ban nhạc Tây trong gánh hát. (Chương 21)


Sau đây là một thí dụ khác về việc nhạc sĩ tìm hiểu về âm giai nhạc Chàm ra sao.

... Giã từ Quảng Ngãi, như một gánh hát quê đói khách nên không bỏ sót một điạ điểm nào, ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU ghé lại những thị trấn nhỏ như Tam Kỳ, Tam Quan trước khi tiến vào tỉnh lỵ Qui Nhơn. Tại Qui Nhơn, tôi được biết thêm một bãi bể nữa. Bãi bể này sạch sẽ, gọn gàng hơn tất cả các bãi bể khác vì nằm ngay trong thành phố. Tại đây, tôi còn được biết thêm một loại hát nữa là hát bài chòi của đám hát rong ngoài chợ, chuyên kể những truyện thơ bình dân như truyện KIỀU hay truyện NHỊ ĐỘ MAI qua lời ca tiếng hát. Lại khám phá thêm một âm giai khác với ngũ cung miền Bắc và ngũ cung Huế. Trong hát bài chòi có một bán-âm mà trong các âm giai ở miền ngoài không có. Âm giai DO MI FA SOL LA này cũng là âm giai nhạc Chàm và âm giai Vọng Cổ miền Nam. Thì ra nhạc Chàm gần gũi với nhạc Vọng Cổ hơn là với nhạc Huế.
(Chương 23)

Những thí dụ như trên để minh họa cho việc nhạc sĩ đã liên tục được tiếp cận, dù vô tình hay hữu ý, có thể thấy liên tục không những trong Hồi Ký Một, mà cả những Hồi Ký Hai, Ba và Bốn nữa. Tôi nghĩ đây là một cái “duyên” ngầm của cả bộ Hồi Ký. Tuy nói những chuyện xa xôi hằng nửa thế kỷ trước với lũ hậu sinh như tôi, nhưng vì khéo léo lồng vào những chi tiết trình bày cội nguồn của những nhạc phẩm Phạm Duy cùng lể lồi và hoàn cảnh sáng tác, hầu như đọc xong chương nào cũng đều có cái “ah ha!” và suy diễn đến cội nguồn của một nhạc phẩm nào đó.

Tôi lấy một thí dụ mà tôi cảm nhận được. Tôi vốn từ lâu rất hâm mộ nhạc phẩm Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, phổ từ thơ Phạm Thiên Thư và sáng tác vào năm 1972, trong đó câu đầu tiên:


mà nhà thơ Nguyên Sa đã mô tả:

Phạm Duy mang lại cho ngôi chùa nhỏ dưới chân núi kiến trúc của một lâu đài, rồi anh không ngần ngại mang cả toà lâu đài đó lên đỉnh của ngọn núi cao nhất. Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn ngôi chùa ở chân núi của thơ được nhạc sĩ cho láy nguyên vẹn và đưa lên một cung bực cao hơn để thành một ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn... được lập lại lần ba trên một cung bực chót vót, toà lâu đài đã được đưa lên kỳ diệu tuốt trên đỉnh chót vót của ngọn núi.

Sau khi đọc Chương 4 – thuật chuyện lúc nhạc sĩ khoảng 5,6 tuổi (!) - tôi hiểu thêm nhạc sĩ đã lấy chất liệu từ đâu, và tại sao bài nhạc phải được hát với phong cách “Đầm Ấm”:

Không giầu để có thể luôn luôn mua đồ chơi hay may quần áo mới cho anh em tôi, mẹ tôi chỉ có thể biểu lộ tình thương yêu đối với đứa con út bằng cách cho tôi theo mẹ trong bất cứ một cuộc đi lễ xa gần nào. Tôi được đi lễ ở nhiều đền chùa nổi danh miền Bắc như Chùa Hương, Chùa Trầm, Đền Sòng Phố Cát... Cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ làm tôi muốn trở thành một con người hiếu đạo. Thật thế, chùa chiền rất cần khung cảnh chung quanh để tạo cho ta sự thoát tục sau khi phải sống cuộc đời đầy bụi bậm. Tiếc rằng sau này tôi không tìm lại được sự rung cảm kỳ diệu đó ở những đền chùa quá ư ''văn minh'' tại miền Nam.

Từ lúc còn rất bé, không những được đi lễ với mẹ luôn luôn, tôi còn được mẹ tôi dạy tụng những câu kinh Phật :''... Lư hương xạ nhiệt pháp giới mông vân chư phật hải hội... '' Tôi lại là thằng bé không thích ăn thịt hay chấm nước mắm, nhiều khi chỉ ăn cơm với oản, với chuối cho nên ngoài cái tên thằng tôm, tôi còn có thêm cái tên là chú tiểu. Bây giờ về già nếu cần phải nhớ tới một trong những mối sầu lâng lâng đầu tiên của đời mình thì tôi phải nói tới buổi trưa hè trên một nẻo đường cái quan...

... Sau khi đi lễ ở một ngôi chùa nào đó, hai mẹ con tôi ngồi ôm nhau trên chiếc xe kéo bánh gỗ đưa chúng tôi về Hà Nội, anh phu xe nhễ nhại mồ hôi, con đường vắng tanh vắng ngắt, hai bên đồng lúa im phăng phắc, thời gian như ngừng trôi... Hình ảnh êm đềm và bâng khuâng này giống như một âm bản tuyệt vời của tuổi thơ đặt vào trong một cái máy thu hình là trí nhớ của tôi để mỗi khi muốn nhớ tới mẹ là tôi đem rửa ra thành một tấm dương bản.

Lại cũng còn có thêm một âm bản khác, dữ dội hơn, với hình ảnh hai mẹ con đi lễ trong khi trời đang giông bão, có cột đèn đổ, có cây gẫy cành chắn ngang đường đi... Người ta thường nhớ tới cha mẹ trong cảnh gia đình đầm ấm -- tôi cũng đã từng nói tới -- với hình ảnh cha ngồi xem báo, mẹ ngồi khâu áo, xa xa có tiếng còi tầu v.v... Tôi thường chỉ nhớ mẹ tôi trong kỷ niệm của những cuộc đi lễ xa xưa như vậy.

Tất cả các bà mẹ trên thế gian đều là mẹ hiền cả, nhưng mẹ tôi, Nguyễn Thị Hoà, là người mẹ hiền hoà nhất. Không bao giờ đánh mắng tôi cả. Mỗi khi tôi làm điều trái thì mẹ kể cho nghe một câu truyện cổ răn đời. Truyện Thằng Cuội hay truyện Lục Súc Tranh Công. Hoặc dạy tôi bằng những câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ : Trông người phải gẫm đến ta thử sờ lên gáy xem xa hay gần...

Như bạn vừa thấy, những kỷ niệm “đi lễ xa xưa” kể trên mang dấu ấn đậm đà không chỉ ở Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, ở Kỷ Niệm mà còn trong Trường Ca Con Đường Cái Quan và nhất là Trường Ca Mẹ Việt Nam. Có quá nhiều kỷ niệm đẹp với người mẹ yêu dấu, nhạc sĩ đã cho ta những câu nhạc hết sức dịu dàng, thiết tha.


Vừa rồi là một vài tìm hiểu ngắn những ảnh hưởng trong nhạc Phạm Duy. Tôi rất, rất may mắn gần đây (9/2009) được nhạc sĩ tặng một bản thảo sách nói về sự Học và Hành trong nhạc của ông dày 250 trang, hy vọng sẽ có dịp chia xẻ cảm nghĩ sau khi đọc cuốn sách trên với các bạn.
Hoctro (9/2009)

2 comments:

  1. Anonymous7.4.11

    Nhạc sĩ Phạm Duy rất tài giỏi. Cả cuộc đời ông là một đời âm nhạc, ông đã học hỏi từ lúc rất nhỏ và học từ bắc vào nam, từ ta đến tây...nên ông có một kiến thức về âm nhạc tổng hợp ba miền, trong và ngoài nước...Tôi muốn học được một phần nhỏ của ông bởi vì tôi cũng rất thích sáng tác. Rất cám ơn người đã nhiệt tình sưu tầm và đăng tin để tôi được chia sẻ những điều quý báu.

    ReplyDelete
  2. Rất cám ơn bạn đã chia xẻ ý kiến.

    ReplyDelete

Học Trò: Lại bàn về cách tạo dựng một ca khúc

Trong một số tiểu luận trước đây, tôi góp nhặt những gì mình tự học hỏi, mong tìm ra một phương thức để sáng tác một bản nhạc. Khởi đi từ nh...