10.15.2009

Vài cảm nghĩ nhân nghe "Phạm Duy Vol.6 - Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên"

Nhân dịp nghe thử vài trích đoạn trong đĩa CD "Phạm Duy Vol.6 - Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên", tôi muốn ghi nhanh vài cảm nghĩ lan man, dưới cặp mắt và tai nghe của một người nghe ("hơi bị" nhiều) nhạc Phạm Duy.






***

Từ ngày nghe được CD đầu tiên Vol. 1 cách đây hơn 3 năm và ghi lại vài cảm nghĩ về nhạc phẩm "Tình Ca", tôi thấy công ty Phương Nam rất tuần tự và kiên trì cho ra đều đặn từng CD, đến nay đã trên 60 bài được lưu hành rộng rãi. Chất lượng của các giọng hát rất đáng kể, nhất là đối với thính giả hải ngoại như tôi, nay có dịp được làm quen với các ca sĩ nổi tiếng trong nước. Các bản nhạc được hòa âm phối khí rất kỹ lưỡng, rất xuyên suốt, không có gì khác biệt về chất lượng, nếu so sánh giữa các CD với nhau. Có thể nói nhạc sĩ đã chọn đúng nơi để giao phó công việc giới thiệu dòng nhạc của mình trở lại với khán thính giả quốc nội.

***

"Tôi đang mơ giấc mộng dài" được hòa âm theo lối pop, trong phần mở đầu người ta nghe đâu đó ảnh hưởng của những ca khúc 80' như "Saving All My Love For You" của diva Whitney Houston. Thế nhưng, phần còn lại thì phong cách đệm rất trữ tình, mượt mà, và nhất là chỉ làm nhiệm vụ làm nền cho ca sĩ, điền vào những chỗ trống của bài hát, thành ra nghe rất nhẹ nhàng thoải mái. Các hợp âm để rất điêu luyện, rất mướt, nghe lãng đãng, rất phù hợp với tinh thần bản nhạc. Tôi rất thích đoạn cuối của bài: "đừng lay tôi nhé cuộc đời, tôi còn trẻ dại, cho tôi mơ màng", các hợp âm chuyển theo sát nhau nghe rất sang và hợp lý. Ca sĩ Mỹ Lệ thể hiện rất vừa phải, "just right", làm người nghe có thể tin vào những gì cô "nghe" và "thấy" từ giấc mộng dài. Tôi thích version này hơn các versions khác đã nghe trước kia. Nhạc phẩm vốn được chuyển từ khổ thơ lục bát, và version đã thành công trong việc "ngụy trang" để thính giả hoàn toàn không biết đây là nhạc phổ từ thơ.




***

"Ngày Em Hai Mươi Tuổi" có một phong cách dân gian hơn, và tôi cũng thích câu thổi kèn "hook" mở bài và nối kết cả bài hát, cũng rất thích cách hát bè của tốp nữ, và tiếng synth mandoline rung nhẹ sau mỗi câu. Phong cách đệm này rất quen thuộc với thính giả hải ngoại thường xuyên xem các chương trình Paris by Night như tôi, và nếu nhắm mắt lại và so sánh thì không thể phân biệt được ai là hải ngoại, ai là trong nước nữa. Đây là một điều rất đáng kể vì theo tôi nhớ từ những ngày ở trong nước (25-30 năm trước), nghe nhạc của Đài Truyền Hình thì mười bài nghe thì mười bài đều hòa âm theo một kiểu, hầu như không sáng tạo. Giờ đây, các nhạc sĩ hòa âm như Hoài Sa, Việt Anh, Đức Trí đã làm chủ được nghệ thuật hòa âm trong thời đại điện toán, sử dụng rất chừng mực, không để những tiếng synth hiện đại có sẵn nhảy "loạn xà ngầu" vào trong những bài soạn của mình.

***

"Hoa Rụng Ven Sông", bài đầu tiên tôi chọn để phân tích (http://phamduyproject.googlepages.com/part1.html), nay được hai giọng hát Đức Tuấn và Thanh Thủy song ca, tôi thấy họ đã chuyển tải rất đạt, nhất là trong đoạn B hát bè. Một lần nữa, do hòa âm chủ đích làm nền chứ không phô trương, với những đoạn chuyển hợp âm tinh tế, nhạc cụ sử dụng đúng mực và đúng chỗ, bài nhạc này đã chuyển tải tinh thần hoài niệm, lãng đãng trôi của ý thơ Lưu Trọng Lư và nét nhạc Phạm Duy.

***

Trên sáu mươi bài hát trong sáu CD, chưa kể trên 10 bài vừa được cho phép lưu hành để thành vol 7, thì quả là Phương Nam đã góp một phần rất tích cực trong việc giới thiệu dòng nhạc Phạm Duy. Tôi có so sánh các bài trên với danh sách 100 bài mà tôi yêu thích, thì thấy trên một nửa đã được lưu hành rộng rãi. Hy vọng các khúc điệu rất nổi tiếng của ông khác như: Bên Ni Bên Nớ, Đường Chiều Lá Rụng, Giết Người Trong Mộng, Mùa Thu Paris, v.v. và nhất là hai trường ca Con Đường Cái Quan Mẹ Việt Nam cũng sẽ được sớm lưu hành rộng rãi. Ngoài ra, hy vọng các sách nghiên cứu về âm nhạc khác của nhạc sĩ cũng sẽ được hiệu đính và tái xuất bản, như Đặc khảo về Dân Nhạc Việt Nam, Đường Về Dân Ca, v.v.

***

Bạn có thể nghe thử một số bài như Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, Chiều Về Trên Sông, Hoa Rụng Ven Sông, Vết Sâu, và Khối Tình Trương Chi ở trang web đang thử nghiệm của công ty Phương Nam: http://www.pnfilm.com.vn/music_list.php?id=126


No comments:

Post a Comment

Raymond Lefèvre's orchestral music: timeless or will be forgotten?

 In this short article, the author hopes that if readers have heard the orchestral music of Raymond Lefèvre (abbreviated: RL), they will rem...