Mời bạn đọc trang hoctroviet cùng xem một bài viết dài và gay cấn về tình hình âm nhạc tại Miền Nam trước và sau khi "đứt phim" 1975. Bài do một cựu học sinh đàn anh trường Lasan Taberd là ông Vũ Văn Chính viết. Tôi chỉ học hết lớp ba Taberd là đứt phim nên đọc bài này rất là tâm đắc.
Nguồn: Người Đô Thị: http://nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/4638/dong-nhac-dong-doi-ky-cuoi-cam-on-am-nhac.ndt
***
1. Lasan Taberd - Ngôi trường ươm mầm
Xin cám ơn âm nhạc đã giúp cho cuộc sống này thêm tươi đẹp cả lúc vui, khi buồn, những lúc hạnh phúc và đau khổ, những lúc lãng đãng như mây trời hay những lúc quỵ té trên đường đời của một kiếp người.
Tôi tiếp xúc với âm nhạc sớm là nhờ học ở trường Taberd, nơi văn - thể - mỹ luôn được coi trọng.
Giọng nhẹ nhàng của Gibert O’ Sullivan với Alone Again, Getdown từng làm mê mệt giới trẻ Sài Gòn. Ảnh: TL
Ngay cả các frère (cha) cũng có ban nhạc riêng để thỉnh thoảng có dịp biểu diễu cho các học sinh Taberd nghe chơi. Cái thứ âm nhạc của nước ngoài, nhất là của Mỹ nó len lén đi vào người tôi từ lúc nào không biết, chỉ biết những năm 1968-1969 tôi đã được nghe trên radio, mục phát thanh âm nhạc dành cho quân đội Mỹ ở Việt Nam những cái bài như Listen in the music của ban nhạc Doobie Brother, Play me với cái giọng khàn khàn của Neil Diamond, Alone Again, Get down với giọng nhẹ nhàng của Gibert O’ Sullivan. Tôi nghe loáng thoáng vậy thôi chứ có hiểu các bài hát đó nó nói gì đâu, nhưng đã say mê âm nhạc thì nhiều khi chỉ nghe giai điệu của nó cũng thấy hay rồi.Vả lại tôi may mắn có điều kiện của gia đình, trong nhà có giàn máy hát băng và tâm hồn văn nghệ của ông bố đã truyền cho tôi máu yêu âm nhạc.
Thời đó mỗi lần nghe băng hòa tấu guitar thật sôi động của ban nhạc The Ventures, tay chân tôi lại táy máy đánh trống đàn tưởng tượng, có lúc cầm cây chổi mà tưởng là cây guitar điện, thế là cứ gảy lên tưng bừng, nhất là cái bài The House Of Rising Sun với phần solo guitar thật độc đáo của ban nhạc The Animals, bài này thường là bài đầu tiên cho người học guitar. Chưa kể những bản nhạc cao bồi Django oai hùng thời viễn Tây, với tiếng vó ngựa và tiếng súng bắn ì xèo, mỗi lần nghe đoạn bắn súng là tôi đứng dang chân cho có vẻ ngạo nghễ, mắt lườm lườm về phía trước. Cũng may là không ngậm điếu thuốc lá trên môi, nếu không là tôi cũng bị mấy cây chổi lông gà vô đít.
Âm nhạc đến với tôi từ độ mới 9, 10 tuổi. Nhớ mỗi chiều đi tắm piscine (hồ bơi) ở Lido. Hồ có chỗ rất sâu, nước lại trong xanh y như biển do được lát gạch màu xanh biển. Tôi hay được nghe bài Diamond Head của The Ventures lúc đứng trên tấm ván của cầu nhảy, nghe nhạc cảm thấy hứng nhưng không dám nhảy cầu vì... không biết bơi. Hầu hết các hồ tắm ở Sài Gòn đều có nhạc dành cho những người bơi lội, vừa bơi thỏa thích hay nằm phơi nắng trên ghế bố thưởng thức những bản nhạc thời thượng lúc ấy. Những hồ tắm hạng sang đều tuyển những bản nhạc hay của Anh, Mỹ, Pháp...
Lối chơi của The Ventures ảnh hưởng đến bao thế hệ nhạc sĩ sau này, ai cũng xem The Ventures là thần tượng nhạc dụng cụ. Vì vậy mà The Venture được biết đến như là “Ban nhạc đã sinh ra ngàn ban nhạc. Ảnh: TL
Lớn lên một chút thì lại thích nghe ban nhạc CCR, với giọng nhừa nhựa quyến rũ của Tom Fogerty, qua các bài một thời được yêu thích như Have You Ever Seen The Rain?, Proud Mary, Who’ll Stop The Rain… Đồng thời tôi cũng bắt đầu làm quen với nhạc Pháp qua bài Mal của Christophe, nghe lần đầu thấy mê mẩn bởi giọng the thé liêu trai của Christophe. Rồi còn La Plus Belles Pour Aller Danser với Sylvie Vartan, Bang Bang của Sheila, Tous Les Garcons et Les Filles dễ thương của Francois Hardy thời thập niên 1960. Dạo ấy văn hóa Pháp rất gần gũi với người dân Sài Gòn. Âm nhạc Pháp cũng thế, với những âm điệu rất giống và gần gũi dòng nhạc Việt Nam, mặc dù không phải ai cũng hiểu lời.
Ban đầu, tôi học chương trình Pháp nhưng lại khoái nghe nhạc Mỹ. Tôi có cảm tưởng là nhạc Mỹ nghe hay hơn nhạc Pháp, nhất là khi nghe giọng đầm ấm của LoBo, rồi giọng trong trẻo và sang của Karen Carpenters với bài Goodbye To Love có phần solo guitar hay kinh khủng, một giọng khàn khàn của Neil Diamond nhịp nhàng với Song Sung Blue, Playme, Simon & Garfunker êm đềm với El Condo Pasa, Sound Of Silence, Santana, Andy William với Love Story...
Nếu phải kể phong trào nhạc trẻ ở VN, thì ngoài các ban nhạc chơi trong các club của quân đội Mỹ, lại phải nhắc tới trường Taberd. Vào những năm 1961, trường có làm một buổi đại hội nhạc trẻ thu nhỏ để khánh thành hội trường vừa mới xây xong. Hội trường chứa được hơn 1.700 ghế, tương đương rạp Rex ngày ấy. Thành phần các ban nhạc thuộc các trường bạn như Saint Paul, Regina Pacis, Thiên Phước, trường Lê Quý Đôn và ban nhạc của Taberd. Buổi đại hội rất thành công và được tái hiện vào năm 1965.
Nhưng từ khi đại hội nhạc trẻ Woodstock được tổ chức vào năm 1968 ở Mỹ, thì không khí nhạc trẻ ở Sài Gòn bắt đầu khởi sắc hơn. Vào năm 1972 một đại hội nhạc trẻ rầm rộ với sự tham dự nồng nhiệt của giới trẻ, được tổ chức tại sân trường Taberd và sau đó vào năm 1973 một đại hội nhạc trẻ được tổ chức ở Thảo Cầm Viên, trong ngày lễ Hai Bà Trưng có hàng ngàn người xem. Mặc dù năm này chiến tranh khốc liệt và tràn lan trên khắp đất nước, âm nhạc vẫn không thể thiếu trong lòng người dân Sài Gòn, nhất là giới trẻ.
2. Các ban nhạc rộ nở
Trường Taberd tổ chức một buổi đại hội nhạc trẻ lần thứ hai vào ngày Chúa nhật 25.11.1972, lần này tôi cũng mua vé tham dự.
Mới sáng sớm đoạn đường Nguyễn Du trước cổng trường đông nghẹt giới trẻ chờ giờ vào cổng, từng cặp uyên ương lớn có choai choai cũng có, ăn mặc rất đúng mốt đứng túm tụm nói chuyện, các anh trai tóc dài thòng râu ria um tùm đứng hút thuốc, bên cạnh là các em gái mặc áo có những tua áo phất phơ dưới hai cánh tay, hay mặc mini jupe ngắn ngủn rất hấp dẫn... Áo trắng của học sinh Taberd cũng đông không kém, vì vé được bán ưu tiên trong trường để ai muốn tham dự thì mua đỡ phải chen lấn.
Thanh Lan nổi danh với Vắng bóng người yêu (Apres Toi – lời Việt: Phạm Duy). Ảnh TL
Mở đầu buổi Đại hội là ban nhạc của các frère Taberd chứ còn ai vô đây nữa. Các frère mở đầu với bài Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân, rồi mấy bài tình ca bằng tiếng Pháp như Mal, Bésame Mucho... Nhìn ban nhạc với toàn nhạc công mặc áo dòng đen đeo cổ cồn rabat trắng chơi nhạc nghề quá, bà con vỗ tay ào ào tán thưởng. Nồng nhiệt nhất là các ông học sinh Taberd, hò hét to nhất và hăng nhất để ủng hộ gà nhà “Bis! Bis!” và huýt sáo lia lịa, làm mấy frère hứng khởi chơi hăng thấy rõ. Nếu không nhường cho các ban nhạc tiếp theo biểu diễn thì dám các frère chơi luôn tới chiều lắm!
Sau đó là các ban CBC, một ban nhạc rock hàng đầu của Việt Nam lúc ấy với thành phần: Lân, Bích Ly,Tùng Vân,Tùng Linh, Bích Liên và ca sĩ Bích Loan với bài Mây lang thang (A Cowboys Work Is Never Done - Sonny And Cher; lời Việt: Trường Kỳ) - một bản nhạc rất thịnh hành, bài sau là Cô hippy bụi đời (Ticket To Ride – Carpenter).
The Crazy Dog với chị em Ngọc Quí, Ngọc Bích và cậu bé Việt Châu (ba thành viên ca sĩ ban này là con nghệ sĩ Việt Hùng – Ngọc Nuôi), The Dreamers của anh em Duy Quang với bản Biết đến thuở nào - nhạc Tùng Giang. Ban tam ca The Apple Three/Ba Trái Táo do nhạc sĩ Lê Vũ Chấn của phòng trà Baccara thành lập vào đầu thập niên 70, nguyên thủy gồm có Tuyết Loan, Tuyết Hương và Tuyết Dung. Chỉ một thời gian thì Tuyết Loan rời khỏi ban và được thay thế bằng Vy Vân. Sau khi Ba Trái Táo chia tay mỗi người một ngả thì Vy Vân vẫn tiếp tục hoạt động độc lập cho đến khi rời khỏi Việt Nam vào năm 1975 cùng với con gái sau này là nữ ca sĩ Phi Phi. Chị Vy Vân hát bài Không cần nói yêu em (You Don’t Have To Say You Love Me), và bài I’ll Be There, Chuyện phim buồn (Sad Movie – lời Việt: Nguyễn Duy Biên), Cuộc tình thoáng bay (More – lời Việt: Kỳ Phát), tất cả đều thật tuyệt.
Là một băng nhạc mang sắc thái mới mẻ cho nhạc trẻ Việt Nam đầu thập niên 1970, bộ ba Vy Vân, Tuyết Hương và cô cháu Tuyết Dung đã được báo chí nhắc đến nhiều nhờ hình thức trình diễn sống động và nhịp nhàng cộng thêm lối trang phục đẹp mắt.
The Cat’s Trio (Ba Con Mèo) do ca sĩ Mỹ Hòa kết hợp với hai cô em ca sĩ Minh Tuyết là Uyên Ly và Kim Anh lập ra. Sau này Minh Xuân thay chỗ Mỹ Hòa. Cùng với Ba Trái Táo (The Aples Three) và Sao Xanh (The Blue Stars), Ba Con Mèo là một trong những ban hợp ca toàn nữ lừng lẫy một thời. Giọng hát của Minh Xuân và Minh Phúc là một trong những cặp song ca nổi tiếng trong làng nhạc trẻ Sài Gòn trước năm 1975.
Bluestar là ban nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam dưới sự dẫn dắt của hai ông bà nhạc sĩ Nguyễn Ngọc và Huyền Nga. Thành viên của ban gồm có Minh Trang (tức Bích Câu, lead guitar, con ông bà nhạc sĩ Nguyễn Ngọc – Huyền Nga), Ngọc Lan (organ, cũng là con ông bà Nguyễn Ngọc – Huyền Nga), Ngọc Phượng (Bích Phượng, bass), hai chị em Tường Vân (trống) và Tường Nga (rhythm guitar), các ca sĩ Xuân Thu, Hồng Loan (em của Jo Marcel), Christiane Marbec (Christian Bê)... Sau này tăng cường thêm Bạch La (con nhạc sĩ Hoàng Trọng), Pauline Ngọc... Ban nhạc nổi tiếng khi hát ca khúc Tình xanh (Love Story – lời Việt: Phạm Duy) với tiếng hát Phương Mai. Trong ban nhạc có ca sĩ Pauline Ngọc sau này hát solo bài Cô bé dễ thương (La Petite Graminer) thật hay.
The Hammers gồm có: Vũ, Hòa, Thành, Nguyễn Trung Chánh, và ca sĩ Cathy Huệ -- sau đó là: Hòa, Thành, CH, thêm mấy người như Long bass, Long Richard. Ca sĩ Cathy Huệ với bài Yêu em bằng cả trái tim, Người yêu nếu ra đi... bằng chất giọng khỏe, hơi khàn và giọng rung mạnh mẽ, không thể lẫn. Như khi chị trình bày tuyệt vời bài Spanish Harlem (Mộng tình xưa – lời Việt: Nam Lộc). Chị hát nhạc trẻ cũng hay mà hát nhạc Việt cũng tuyệt vời không kém, như bài Nắng chiều (của Lê Trọng Nguyễn ) với điệu rumba sôi động.
Thanh Lan thì nổi danh với Vắng bóng người yêu (Apres Toi – lời Việt: Phạm Duy), Ngày tân hôn (Oui! Devant Dieu – lời Việt: Phạm Duy), Khi xưa ta bé (Bang bang – lời Việt: Phạm Duy). Một ca sĩ mới nổi với bài La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ) là Bích Trâm (về sau là vợ ca sĩ Nguyễn Chánh Tín). Thêm một cô ca sĩ nữa rất đẹp và dễ thương, cũng góp mặt vào làng nhạc trẻ Sài Gòn với bài Cuộc tình xưa (nhạc Tùng Giang), đó là Thanh Mai.
The Uptight và Khánh Hà, Anh Tú, Thúy Nga con bác Lữ Liên nổi lên với bài Tình ca cho em (Goodbye To Love), Em đã quên mùa thu. Ban Phượng Hoàng thì có hai tay guitar kiêm nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang và ca sĩ Elvis Phương với liên khúc: Tôi muốn - Yêu người yêu đời - Thương nhau ngày mưa. Tiền thân của Enterprise là Jetsets gồm: Vũ, Dũng, Trung Nghĩa, Kasim, Paul trống. Sau Trung Nghĩa tách ra lập lại với Kasim, Mạnh Tuấn, Lý Được, ca sĩ có Kim Oanh, rồi Thanh Tuyền về sau. Giọng ca Kasim chuyện trị dòng nhạc Santana, và còn nhiều ban nhạc khác nữa…
Phải nói học sinh Taberd ông nào ông nấy mê mẩn mấy bản tình ca ngoại quốc và lời Việt. Tụi tôi bắt đầu sưu tầm các hình ca sĩ hay ban nhạc nước ngoài từ các tạp chí như Salut Les Copains, Hit Parade… Khi Taberd tổ chức Đại hội Nhạc trẻ tại trường thì chiều chiều tôi hay đến trường chơi, để thấy mặt các ban nhạc và ca sĩ thần tượng đang ráo riết tập luyện.
Mỗi buổi biễu diễn phải có đến mấy chục ban nhạc thay phiên nhau chơi từ sáng cho tới 4g chiều mới chấm dứt. Sân trường được mấy cái dù vải to tướng che mát cho khán giả mà phần đông ngồi bệt trên mặt sân. Trên các dãy lầu hai bên sân cũng đặc kín học sinh Taberd mua vé vào xem, đến 7.000 người chứ ít đâu. Có hãng kem và nước ngọt Top tung mấy cô bán hàng xinh đẹp ra với trang phục thời trang, quần short trắng, giầy cao cổ và nón cao bồi cũng trắng, đeo bên hông cái bình đựng kem có in hình logo của hãng: chú vịt Donald và chữ Top to tổ bố.
Quyển Phương pháp Tự học Độc tấu Tây ban cầm theo Điệu Flamenco của Hoàng Bửu được bán trên phố Sài Gòn 1968. Nguồn: John Hlavacek Collection
Đến 4g chiều khi ban nhạc Mây Trắng với 5 ca sĩ chơi toàn đàn guitar thùng của ca sĩ Trung Hành, Tuấn Dũng, Cao Giảng, Trường bass và tay trống Thuận ra biểu diễn bài Đồng xanh, Lá xanh mùa hè để kết thúc chương trình Đại hội Nhạc trẻ Taberd là khán giả lục tục kéo nhau về.
Hồi đó trong trường rộ lên phong trào đi học nhạc. Tôi cũng thế, nhưng không học trường lớp nào cả. Nhà có cây guitar của Mỹ. Hồi đó mắc nhất là đàn Yamaha của Nhật, nhưng có cây đàn của Mỹ cũng tuyệt rồi. Ban đầu tôi đi mua cuốn Tự học Tây Ban Cầm của ông Hoàng Bửu về học, học mãi không hiểu vì lối viết của tác giả. Về sau có một cuốn khác có tựa Phương pháp tự học guitar của tác giả Nam Phong. Cuốn này soạn rất dễ hiểu và thế là tôi miệt mài mỗi buổi trưa đi học về, ăn cơm xong không thèm ngủ trưa xách đàn ra gẩy.
Ông anh tôi thì kỹ hơn, đi học ở trường lớp đàng hoàng, nên tôi hay mượn cuốn nhạc của ổng để học nốt trước. Được vài tháng thì không thấy ông chịu đi học đàn nữa, nhà còn mình tôi loay hoay học một mình. Khi đã học kha khá, tôi chuyển sang học hợp âm và có thể chơi được bản The House Of Rising Sun. Sau này khi đã đủ trình độ ôm đàn và ca hát, tôi hứng chí chuyển sang chơi classic, mày mò chơi được mỗi một bản Roman là tôi từ giã classic vì nó không dùng để đi cua đào được , vả lại phải tập cực quá. Nhờ biết đàn hát mà sau này tôi mới nhiều bồ. Nhớ một lần cùng với mấy thằng bạn Hướng đạo rủ nhau ra Vũng Tàu cắm trại. Đêm ấy trời sáng trăng, gió đêm thổi lồng lộn khiến tụi tôi thấy hứng bèn lôi đàn ra hát. Ngồi hướng ra biển tụi tôi say sưa hát, không để ý đến một nhóm con gái đang ngồi gần để nghe, tới chừng quay lại mới thấy bầy ... tiên nữ. Thì ra các cô đi cắm trại do nhà trường tổ chức gần đấy, đang buồn thì nghe tiếng nhạc văng vẳng mới làm gan mon men tới làm quen với mấy... ông tiên.
Đó là mùa hè cuối cùng thời hoa mộng.
3. Ban nhạc Phượng Hoàng và tôi
Cái tên ban nhạc Phượng Hoàng lần đầu tiên tôi được biết qua liên khúc Tôi muốn – Yêu người & Yêu đời năm 1972 ở sân trường Taberd trong buổi đại hội nhạc trẻ lần thứ hai.
Ban nhạc Phượng Hoàng. Ảnh tư liệu của Elvis Phương (đăng trên báo Giáo dục Việt Nam)
Trong ban nhạc Phượng Hoàng anh Elvis Phương là thần tượng của tôi. Vào cuối niên khóa năm 1972-1973 trong buổi lễ bế giảng năm học, trường có tổ chức buổi văn nghệ cho học sinh tham dự trước khi nghỉ hè, tình cờ tôi được nghe một bản nhạc rất hay với giai điệu slowly, nói về một cuộc tình trong những ngày mưa và được giới thiệu là của ban nhạc Phượng Hoàng, đó là bài Thương nhau ngày mưa. Bài này được hát bởi một bậc đàn anh lớp lớn trong trường, tuy giọng ca không chuyên nghiệp như Elvis Phương, nhưng các đàn anh Taberd hát cũng không thua kém gì.
Trong những năm sau, chiến tranh lan rộng khắp đất nước, tuổi trẻ chúng tôi sống trong âu lo cho tương lai. Những bản nhạc của ban Phượng Hoàng gợi lên đúng cái suy nghĩ và lối sống của tuổi trẻ thời bấy giờ. Giữa những ban nhạc rock của Sài Gòn và những bản nhạc hay của nước ngoài đã được Việt hóa, ban nhạc Phượng Hoàng cũng chơi pop/rock, nhưng những bản nhạc của họ hoàn toàn thuần túy VN. Lời nhạc của họ nhân bản hơn với những triết lý dành cho tuổi trẻ. Lời nhạc cũng không đẹp và lãng mạn như các bản nhạc tình khác. Có thể nói ban nhạc Phượng Hoàng là ban nhạc rock đầu tiên của VN, chỉ chơi với những bản nhạc do họ sáng tác. Đa số những ca khúc của họ rất dễ chơi với những đoạn dạo đầu hơi đơn giản, nên đa số thanh niên thời bấy giờ rất thích.
Khi cuốn Tuyển tập các ca khúc Phượng Hoàng 1 ra đời với những bản nhạc Một giấc mơ, Sống cho qua hôm nay, Lời người điên, Huyền thoại người con gái, Mặt trời đen… của hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà, cùng với tiếng hát và chất giọng tenor cao vút của ca sĩ Elvis Phương, giới trẻ hoan nghênh và nồng nhiệt đón nhận. Cả hai đã là người tiên phong cho nhạc trẻ liên khúc lúc ấy, sau này thì âm nhạc ở hải ngoại cũng theo lối hát liên khúc này.
Khác với Lê Hựu Hà, những sáng tác của Nguyễn Trung Cang có phần bi quan hơn, nếu không muốn nói là đôi khi hơi phiêu bồng và ma quái với những Phiên khúc mùa đông, Đêm dài, Mặt trời đen… như chính cuộc đời anh. Lê Hựu Hà thì tươi sáng hơn với Yêu em, Huyền thoại người con gái..
.
Ban nhạc Phượng Hoàng gồm tay trống Trung Vinh (cựu học sinh Taberd), bass Khiêm (cựu học sinh Taberd), dreams guitar Lê Hựu Hà, lead guitar Nguyễn Trung Cang, ca sĩ Elvis Phương.
4. Nhịp sống trẻ giữa chiến tranh
Hồi còn học Taberd, nhờ đám bạn cũng mê nhạc ngoại quốc nên tụi tôi cũng cùng gu và trao đổi các album nhạc hay các tạp chí âm nhạc với nhau.
Đa số tụi tôi rất ưa nghe những bản tình ca thời thượng của các dòng nhạc Mỹ, Pháp, Việt hóa hai lời. Ngày ấy tôi rất thích những tạp chí có hình các ban nhạc, ca sĩ mình yêu thích như: Salut Les Copains, Elle, Mademoiselle A Tendre của Pháp, Hit Parade, Billboard của Mỹ. Có những cuốn sách nhạc Hit Parade Mỹ nhỏ bằng cuốn sổ tay hay bằng cuốn truyện Tuổi Hoa, được xuất bản tại Hong Kong với nhiều bản nhạc mới nhất trong tháng hay trong năm, có ghi lời và cả nốt nhạc và âm điệu để ai thích nhạc thì có thể sưu tầm và chơi theo. Thích nhất là các tấm post in hình các ca sĩ mà mình thần tượng. Được nhìn dung nhan những thần tượng của mình thật là thích, lâu lâu có một tấm poster lớn in hình Christophe, Art Sullivan, CCR… treo tường trong phòng thì còn gì tuyệt hơn.
Đại nhạc hội thu hút đông đảo giới trẻ. Ca khúc "Vắng bóng người yêu" qua giọng ca Thanh Lan đã đi vào hồn nhiều người bằng những kỷ niệm chở đầy êm ái và thơ mộng. Ảnh: TL
Nếu nhà mà có dàn máy Teac quay được hai chiều, cặp loa Mỹ to đùng và cao, và cái ampli SanSui đời QX 9900 mới ra lò thì hạnh phúc giăng đầy trời. Chuyên nghiệp hơn thì có thêm dàn loa 6 cái, với âm thanh chạy vòng vòng thì đúng là... Thiên đường. Thời đó có những trung tâm thâu băng nổi tiếng ở Sài Gòn, như kios Trịnh Quan, Liên Hoa trên đường Nguyễn Huệ, chuyển sang băng nhạc với những bản nhạc nước ngoài bằng chất lượng tuyệt hảo. Nơi đây toàn tuyển chọn những bài mới nhất và hay nhất. Như cuối năm 1974, tôi đi thâu được hai bản mới nhất là bản Billy Don’t Be A Hero và The Night Chicago Died, cả hai bản này cùng do ban nhạc Paper Lace trình bày, được vài tháng là Sài Gòn “đứt phim”.
Còn muốn nghe băng nhạc trẻ Việt hóa bằng băng gốc thì đến Trung tâm Phát hành Băng nhạc Nguồn Sống, Khai Sáng nằm trên đường Lê Lợi gần nhà sách Khai Trí và vũ trường Queenbee. Nơi đây cũng bán đầy đủ các bản nhạc được in ra cùng với băng nhạc Akai hay băng cassette rất đa dạng, toàn băng hay và có chủ đề riêng.
Hồi đó đã có những cuốn băng với tên Anna, Hồn hoang của nhạc sĩ Quốc Dũng, Shotgun của nhạc sĩ Ngọc Chánh, Hit Parade phát hành từng chủ đề từ số 1 cho đến 30.4.1975 mới ngưng. Tất cả những chủ đề được sắp xếp và những bản nhạc hay mới ra lò đều được bình chọn từ Hongkong, nơi có thể nói sành nhạc trẻ đứng đầu châu Á.
Sài Gòn đang trong chiến tranh, nhưng dân Taberd con nhà khá giả vẫn theo nhịp sống trẻ với những giọng hát mới mẻ đầy quyến rũ, của Terry Jack, Lobo, Beegees Michael Jackson... và không gì hơn Killing me softly with his song của cô ca sĩ da đen Roberta Flack, Beautiful Sunday của Daniel Boone... Nhạc Pháp thì ngoài một Christophe quen thuộc ngày nào, nay lại có thêm Art Sullivan với Sans Toi, Donne Donne Moi, Une Larme D’amour. Thêm một France Gall nhí nhảnh với bài Poupee de Cire, Poupee de Son… Ngoài ra còn được nghe thêm những bản nhạc Việt hóa, tất cả đều hay và đáng nhớ. Như bài Tell Laura I love Her được dịch ra là “Trưng Vương khung cửa mùa thu” của Nam Lộc, tuy chẳng dính dáng gì đến nội dung chính của bản nhạc, nhưng rất được ưa chuộng lúc ấy.
Những bản nhạc như Anh đã quên mùa thu, Người tình đẹp xinh xinh (Tùng Giang) với giọng ca Khánh Hà, Biết đến thuở nào (Tùng Giang), Tuổi thần tiên, Tuổi ngọc... do Duy Quang và Thái Hiền hát; Khi xưa ta bé, Vắng bóng người yêu của giọng ca Thanh Lan, và nhiều lắm những bài hát đã đi vào hồn tôi, bằng những kỷ niệm chở đầy êm ái và thơ mộng. Không hiểu sao những ngôn từ khi ấy trong các bản nhạc Việt hóa lại quyến rũ và làm mê mẩn giới trẻ Sài Gòn như thế. Cho đến tận sau này khó mà tìm lại được những ca từ nồng nàn và lãng mạn như thế.
Sau này dù có bươn chải mưu sinh, tôi vẫn còn được nghe những dòng âm nhạc của ngày xa xưa ấy, từ băng đĩa CD và trên You Tube. Nơi đây bạn có thể tìm lại được giai điệu thân quen của những ngày xa xưa đẹp và mơ mộng, dù chỉ còn là những âm hưởng để hoài niệm mỗi khi nhớ đến. Âm nhạc vẫn cứ ra đời và trôi theo thời gian, một thứ âm nhạc sống mãi và không chết trong lòng thế hệ thanh niên tụi tôi.
5. Sống sót sau giông bão
Sau những lần bị thu gom những sách báo “văn hóa nô dịch của nước ngoài”, tôi phải cắn răng đốt đi những cuốn tạp chí về âm nhạc mà tôi đã cất công sưu tầm, cả tạp chí Pháp cho đến tạp chí Nhạc trẻ, Hồng của Trường Kỳ.
Nhưng sống chết gì tôi cũng phải giữ lại cái gia tài gồm 150 cuốn băng Akai của mình. Giữ lấy vì tiếc công lao bấy lâu sưu tầm, và còn có những kỷ niệm của tôi trong những bản nhạc trong này nữa. Như có lần bị bồ đá, ngồi buồn một mình trong quán Caféteria Rex, tôi chợt nghe bài: Hai khía cạnh cuộc đời – lời Việt của Phạm Duy (Both Side Now) do chị Julie Quang và ban Dreamers trình bày, cả bài Vắng nàng (Sans Elle) rất hay nữa. Hay mỗi lần đi ciné với em, tôi lại nhớ tới bài Chuyện phim buồn – lời Việt của Nguyễn Duy Biên (Sad Movie) do chị Vy Vân hát, mà thầm mong mình đừng gặp cảnh éo le như trong phim.
Nhóm The Dreamers (Duy Quang ngoài cùng bên phải) cùng nhạc sĩ Phạm Duy trên sân khấu Sài Gòn. Ảnh: TT & VH
Các quán nhạc sau 30.4.1975 đều không được phát những bản nhạc Việt hay ngoại quốc ngày trước, chỉ được phép phát nhạc cách mạng hay nhạc hòa tấu không lời các nước. Những năm đầu sau 1975 tai tôi tập làm quen với điệu march, điệu fox, fox trot thay vì những âm thanh êm dịu của điệu slow, valse, boston, sôi nổi của chachacha, soul, be bop... Và do đó những cuốn băng của tôi chỉ được nghe nho nhỏ ở trong nhà. Vì vậy tôi lại càng phải giữ những cuốn băng này cho riêng mình, vì có thể không còn được thấy lại nữa.
Julie Quang và Duy Quang một thời được xem là một cặp đôi vàng của làng nhạc trẻ Sài Gòn. Ảnh: TT&VH
Cuộc sống của những năm 1980 đầy khó khăn, thế là tôi phải đứt ruột đem những cuốn băng nhạc đi bán ở các tiệm cà phê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nếu đem bán ở chợ trời thì rẻ lắm,vì không hiểu sao ngoài chợ trời họ bán đầy những cuốn băng nhạc như vậy. Cứ vài ngày, tôi xách vài cuốn đi chào hàng ở các quán cà phê. Và 150 cuốn băng của tôi rồi cũng bán hết, giúp tôi phần nào trong cuộc sống rất khó khăn ngày ấy.
Và rồi những băng nhạc hòa tấu của Paul Mauriat, Frank Pourcel ngày nào bây giờ được lên ngôi, những bản Mamy Blue, Je T’aime moi non plus, Love Story, Romeo & Juliette... cũng được phép mở công khai trong các quán cà phê, mà hồi đó gọi là “nhạc nhẹ các nước”. Cứ 10 giờ tối mở đài FM trên đài phát thanh trong chương trình nhạc nhẹ các nước là tha hồ thưởng thức, cũng đỡ buồn. Nhưng không còn những cảm xúc như ngày xưa, thật lạ.
6. Hồi sinh
Dân Sài Gòn thật tài tình, không biết họ lấy từ đâu mà in những bản nhạc cũ và kể cả những bản nhạc mới ra thành những tờ giấy in bằng mực ronéo lem luốc, bày bán công khai trên lề đường Lê Lợi...
Họ in đủ loại, nhạc VN có nhạc ngoại quốc mới nhất cũng có, nhưng không hiểu ai dịch những bản nhạc này ra tiếng Việt, lời dịch đã không hay mà lời Anh, Pháp sai bét nhè luôn. Vậy mà đám trẻ tuổi ngày ấy như tôi bu vào chọn lựa và mua đông lắm. Mua về để mà chép vào cuốn sổ, để sưu tầm, và cũng để hát trong nhà một mình. Rồi dần dần xuất hiện những cuốn băng cassette chỉ chừng 45 phút, gồm 10 bài nhạc xưa cũ, nhạc ngoại quốc đủ loại,tất cả nghe nói được mấy người đi buôn lậu mang về từ Thái Lan, Trung Quốc. Và cũng bắt đầu thị trường máy cassette và băng nhạc được bày bán.
Thường thì những gì đã mất thật quý và nhớ mãi. Cứ ngỡ như mình sẽ không được nghe lại những tình khúc xưa của một thời, thế mà tất cả lại lục tục quay về. Hình như tất cả những bài nhạc ấy đối với tôi đều có hồn, nó nói lên đúng những tâm trạng mà tôi đang trải qua. Nó làm cho tôi sống lại những ngày tháng, những kỷ niệm xưa thật đẹp.
Ban nhạc Abba. Ảnh: TL
Có một thời dân yêu nhạc Sài Gòn bỗng được nghe một bài nhạc đã cũ, vào quán cà phê nào cũng đều nghe cái điệu be bop rộn rã và intro mở đầu quá quen thuộc. Đó là bài Papa do Paul Anka hát, phải một thời gian dài sau mới bị che lấp bởi Boney M, Abba… Ban Boney M gồm ba cô nàng da đen Liz Michell, Sheyla Bonnick, Marcia Barrett và anh chàng hay nhảy ưỡn ẹo phụ họa Reggie Tsiboe. Được giới thiệu là ban nhạc của Đức, ban này trình diễn toàn những bài phản chiến, nên được phép cho chiếu băng video cassette có bán vé tại các câu lạc bộ.
Gọi “rạp chiếu phim” cho vui thôi chứ đó chỉ là những căn phòng giống như mượn của nhà trường nào đó. Một cái bàn trên để cái TV màu 14 hay 16 inch, một đầu chiếu video, thế là thu tiền bán vé, khán giả được thưởng thức những ban nhạc thần tượng của mình mà có lúc chỉ nghe tiếng qua băng cassette. Ai nấy say sưa thưởng thức những ban nhạc mới nổi từ thập niên 1980. Về sau còn có thêm các nhóm nhạc mới toanh như Abba, một ban nhạc pop Thụy Điển. Tên của ban nhạc do tập hợp các chữ đầu tên của bốn thành viên tạo thành: Agnetha Fältskog, Björn Ulvaeus, Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad. Ban này ra mắt năm 1974 tại giải Eurovision 74 nhưng dân sành nhạc ở Việt Nam chưa kịp nghe.
Trong những năm đó các ban Boney M và Abba luôn được mở liên tục tại các quán cà phê. Kể cả vào những dịp lễ, tết nhà nào cũng mở Boney M và Abba, và bài Happy New Year (1980) của Abba trở thành nhạc nền của đài Truyền hình TP.HCM, năm nào cũng được phát vào đúng đêm giao thừa, từ giữa thập niên 1990 kéo dài cho đến tận năm 2000.
Boney M thì điệu disco luôn rộn ràng vui tươi với ba tiếng hát trong trẻo cao vút. Ngày ấy ngồi trong quán cà phê tôi thấy các ông cứ lắc mình theo nhịp trống thật là vui. Âm điệu vui tươi của nó giúp người nghe quên đi cái cuộc sống đang khó khăn từng ngày. Trái lại nhạc Abba mang một phong thái sang trọng hơn, đa dạng và cuốn hút người nghe. Chỉ với hai giọng ca, một của Agnetha Fältskog tóc vàng với giọng tenor sang trọng và một của Anni-Frid Lyngstad tóc đen với chất giọng trầm quyện vào nhau, đủ khiến người nghe mê mẩn. Nhưng nhạc của Abba phảng phất buồn cả trên nền nhạc có tiết tấu nhanh như: Dancing Queen (1978), Fernando, I have Dream (1979), Voulez–vous (1979), Super Trouper (1980), Chiquitita (1979) và bài Happy New Year (1980) bất hủ. Thật đáng tiếc là ban nhạc tan rã vào năm 1983, để lại trong lòng khán giả khắp thế giới một sự tiếc nuối.
Đây có thể nói là hai ban nhạc gây ấn tượng nhất đối với những người yêu nhạc của Sài Gòn từ sau 30.4.1975. Dù sau này họ nghe lại rất trễ và thiếu thông tin về nhạc trẻ quốc tế, họ vẫn đón nhận đầy đủ không sót bài nào.
Ban nhạc rock Eagles (ảnh trên) và ca khúc Hotel California biểu diễn năm 1977. Ảnh TL
Về sau còn có Eagles là ban nhạc rock của Mỹ, thành lập tại Los Angeles, tiểu bang California vào đầu thập niên 1970. Với năm đĩa đơn và bốn album dành vị trí số một, Eagles là một trong các nghệ sĩ ghi âm thành công nhất của thập niên 1970. Các thành viên: Don Henley, Glenn Frey, Joe Walsh, Don Felder, Randy Meisner, Timothy B. Schmit, Bernie Leadon, tôi đã nghe từ trước 30.4 với bài Take It Easy (1972). Nhưng từ khi bản Hotel California ra đời vào ngày 8.12.1976 thì đúng là một cơn sốt, nhất là cái intro của nó. Bài Super Trouper (1980) của Abba cũng có intro nghe rất hay, dập dồn như khúc dạo đầu của bài The Final Countdown của ban Europe (1986). Europe là một ban nhạc hard rock Thụy Điển, thành phần gồm Joey Tempest, John Norum, Kjell Hilding Lövbom, vui nhất là ca sĩ Joey Tempest khi đang hát thường cầm nguyên cái cây micro múa may, vài ban nhạc ở VN bắt chước lối hát này của anh.
Phải nói là dòng nhạc thập niên 1980 - 1990 rất phong phú. Giới trẻ ở Sài Gòn sành điệu và nắm bắt giai điệu của âm nhạc quốc tế rất mau lẹ. Ban The Bee Gees của ba anh em người Úc gốc Anh gồm Barry, Robin và Maurice Gibb thì không lạ lẫm rồi, nhưng từ khi họ đổi giọng hát bằng mũi để trình bày những bản nhạc theo nói disco, new wave như Stayin' Alive (1977), Night Fever (1977)... thì tôi thấy không “phê” bằng những dòng nhạc lãng mạn khi xưa của họ. Smokie thật hay với giọng khàn khàn của Chris Norman với bài Layback In The Arms Of Someone và bài Midnight Lady. Modern Talking là một ban nhạc pop của Đức gồm hai thành viên là nhạc sĩ kiêm ông bầu, ca sĩ hát nền Dieter Bohlen và ca sĩ chính Thomas Anders, nghe chán phèo với những điệu disco đều đều như You’re My Heart -You’re My soul, Cherie Cherie Lady. Wham là ban nhạc Anh với ca sỹ chính là George Michael với bài Careless Whisper và Last Christmas buồn thảm. Michael Learns To Rock là một ban nhạc nổi tiếng Đan Mạch với các ca khúc bằng tiếng Anh. Ban nhạc này thành lập năm 1988 và đã bán được hơn 9 triệu album, chủ yếu là tại châu Á. Thành phần gồm ca sĩ chính Jascha Richter, Mikkel Lentz, Kåre Wanscher, Søren Madsen. Với những bản nhạc nhẹ nhàng nhưng nghe cũng rất “phê” như That Why, Paint My Love…
Ban Bee Gees của ba anh em người Úc gốc Anh gồm Barry, Robin và Maurice Gibb. Ảnh: TL
Backstreet Boys là một ban nhạc Hoa Kỳ từng được đề cử giải Grammy. Lần trình diễn đầu tiên của nhóm là vào tháng 7.1997. Hiện tại nhóm có bốn thành viên là Nick Carter, Howie Dorough, Brian Littrell, và A. J. McLean. Một thành viên chính thức là Kevin Richardson đã rời nhóm vào ngày 23.6.2006, nhưng bốn thành viên còn lại vẫn quyết định quay trở lại với ca hát. Họ chơi bản As Long As You Love Me mà một thời dân nghe nhạc ở Sài Gòn rất khoái. Westlife được thành lập vào gần cuối thập niên 1990 gồm 5 chàng trai trẻ: Shane Filan, Mark Feehily, Nicky Byrne, Kian Egan, Brian McFadden. Họ hát cover hai bản nhạc cũ là Season In The Sun của Terry Jack và bản I Have a Dream của Abba thật là tuyệt vời…
Đó là những ban nhạc tiêu biểu của một thời. Ngoài ra còn nhiều giọng hát đơn lẻ của các ca sĩ nữa. Ta còn gặp lại anh em nhà Carpenter là một ban nhạc do hai anh em nhà Carpenter thành lập, đó là Karen và Richard Carpenter. Bài Only Yesterday thật nhẹ nhàng và đúng chất giọng sang trọng của Karen. Nhưng tiếc thay Karen lại mất sớm vì căn bệnh chán ăn.
Karen Anne Carpenter (sinh ngày 2.3.1950 - mất 4.2.1983) là một ca sĩ và tay trống người Mỹ, là một thành viên của ban nhạc The Carpenters gồm cô và anh trai tên Richard Carpenter. Cô bị chứng biếng ăn tâm thần, rối loạn ăn uống, một căn bệnh ít được biết đến vào thời điểm đó và cô qua đời ở tuổi 32.
Kết. Cảm ơn âm nhạc
Cám ơn âm nhạc đã giúp cho cuộc sống này thêm tươi đẹp cả lúc vui, khi buồn, những lúc hạnh phúc và đau khổ, những lúc lãng đãng như mây trời hay những lúc quỵ té trên đường đời của một kiếp người...
Một Madonna mới nổi với bài Like A Virgin (1984), Barbra Streisand với bài Woman In Love (1980), Donna Summer cuồng nhiệt với bài Hot Stuff (1979), I Feel Love (1977), Laura Branigan với bài Self Control (1984), Anne Murray với bản You Needed Me (1978) nhẹ nhàng mà buồn thảm. Michael Jackson thì khỏi nói, lên ngôi vua nhạc pop nước Mỹ với các album Thriller, Bad... và nhất là hai bài do chính anh sáng tác, quy tụ nhiều giọng ca nổi tiếng của thế giới để hát hợp xướng thật độc đáo và hay: We Are The World và Heal The World trong chương trình quyên góp cho châu Phi. Sau này có một album mang chủ đề Euro Remix chuyên cover lại các bài hát nổi tiếng với âm điệu của vũ trường mà giới trẻ rất thích như Can’t Help Falling In Love sôi động với giọng ca Jessica Jay, Yesterday Once More với Quantize Feat, Everything I Do, I Do It For You với Astaire, Without You với Sheena Rayder…
Hình ảnh thời trẻ của Michael Jackson, vua nhạc pop. Ảnh: TL
Gặp lại Olivia Newton John (sinh ngày 26.9.1948, Cambridge, Anh), cô ca sĩ một thời tái xuất với bài Jolene (1976). Về sau có một giọng ca vàng thánh thót của cô ca sĩ gốc Pháp nhưng chuyên hát tiếng Anh, đó là Cecile Dion với hai bài tiêu biểu: Power Of Love và Titanic vào cuối thập niên 1990 và sang cả năm 2000…Và còn nhiều lắm những giọng ca vàng của các nước mà nhiều nhất là Mỹ.
Đó là dòng nhạc tiếng Anh, còn dòng nhạc Pháp trong các thập niên 1970-1980-1990 cũng hay không kém. Vừa được nghe lại những ca khúc trước 1975, vừa nghe thêm những dòng nhạc Pháp sau này thật hay như Joe Dassin với bài À Toi, một C.Jerome với bài C’est Moi; Ensemble với giọng ca mượt mà của Art Sullivan, Quelque Chose Dans Mon Coeur với Elsa. Giọng ca run rẩy nhẹ nhàng của Demi Roussos với hai bài From Souvenirs to Souvenirs và Goodbye, My Love Goodbye. Một Vanessa Paradis dễ thương với bài Joe Le Taxi. Nổi nhất là giọng ca Julio Iglesias, chàng ca sĩ người Tây Ban Nha với lối trình bày ca khúc bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, một cách hết mình với giọng ca sang trọng như Hey, When I Need You .
Riêng phần ca nhạc Việt Nam từ hải ngoại cũng phong phú không kém. Có những bản nhạc sến mà ngày xưa tôi không thích nghe, nhưng chắc có lẽ vì tâm tư hiện tại có những tâm sự buồn nên khi nghe lại những bản nhạc ấy, tôi lại thấy nó diễn tả đúng tâm trạng của mình.
Nhạc sĩ Đức Huy. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Đức Huy vừa là ca sĩ vừa sáng tác nhạc, anh đã nổi tiếng với bài Bay đi cánh chim biển, hay bài Hoang vu, Thoáng mây bay, xuất hiện vào năm 1975 mà tôi có dịp nghe trong một cuốn băng chủ đề tình ca nhạc trẻ. Còn nhiều bài hay nữa trong các album của anh như Phố nhỏ, Như đã dấu yêu… Một Trung Hành mà ngày xưa chơi ở ban Mây Trắng với bài Đồng xanh, Lá xanh mùa hè ở Taberd năm 1972, vẫn giọng hát khàn khàn trong những bài nhạc trẻ Việt hóa khi xưa. Nhất là giọng ca mượt mà và trữ tình của Ngọc Lan đầu những năm 1990. Tiếng hát Ngọc Lan nhẹ nhàng và sang trọng đã làm bao người mê mẩn. Rất tiếc là chị đã qua đời khi còn trẻ.
Nhiều lắm kể sao cho hết, cũng may là âm nhạc được sống dậy y như ngày xưa mà không chừng còn phong phú hơn. Phải công nhận kỹ thuật âm thanh phối khí ở nước ngoài đã đạt trình độ vượt bậc, khiến khi nghe lại các bài nhạc khi xưa được thể hiện lại với những giọng ca tên tuổi cũ và mới, người nghe thấy hay hơn, hiện đại hơn.
Vào năm 1995 khi chiếc đĩa CD đầu tiên có mặt ở Việt Nam, và những đầu máy hát đĩa CD được phổ biến và bán rộng rãi, dân mê nhạc được thưởng thức âm thanh tuyệt hảo của nó. Băng video cassette xem phim cũng như băng cassette nghe nhạc, từ từ lui dần để nhường chỗ cho công nghệ nghe nhạc tân tiến và gọn nhẹ.
Ngày ấy tôi cũng như nhiều người yêu âm nhạc, hễ có tiền là đi kiếm những cái đĩa yêu thích, cứ thế tích tụ dần, có khi lên cả mấy trăm đĩa, giống như khi xưa tôi sưu tầm băng Akai vậy, chỉ có khác là cái ngày xưa tôi còn trẻ, sôi nổi và hồn nhiên. Còn bây giờ, sau khi trôi nổi qua nhiều bể dâu trong cuộc sống, tôi nghe nhạc với tâm trạng rất khác xưa, cũng như cảm nhận sâu sắc hơn những ưu tư, đau khổ, thương nhớ, vui sướng... mà các nhạc sĩ đã gởi lòng vào đấy.
Thôi thì mượn lời của ban Doobie Brother ngày xưa với Listen The Music để xin cám ơn âm nhạc đã giúp cho cuộc sống này thêm tươi đẹp cả lúc vui, khi buồn, những lúc hạnh phúc và đau khổ, những lúc lãng đãng như mây trời hay những lúc quỵ té trên đường đời của một kiếp người.
Vũ Văn Chính
Ghi lại những mẩu chuyện, cảm nghĩ về âm nhạc. Posting in both English and Vietnamese my thoughts about popular music.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Raymond Lefèvre's orchestral music: timeless or will be forgotten?
In this short article, the author hopes that if readers have heard the orchestral music of Raymond Lefèvre (abbreviated: RL), they will rem...
-
Bạn, Lại thêm một năm trôi qua, tôi chẳng nghe hay khám phá gì được nhạc mới Việt cũng như Anh Pháp. Cũng có những ngôi sao chợt "xẹt...
-
Khi thưởng thức những nhạc phẩm dài hơi, với nhiều đoạn nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy như Khi Tôi Về (thơ Kim Tuấn), Mùa Xuân Yêu Em ...
-
Bạn thân mến, Trong một bài viết trước ( Những kỷ niệm về nhạc Paul Mauriat ) tôi đã có dịp nhắc đến người nhạc sĩ tài hoa, đa dạng của â...
Cảm ơn chú về bài viết ạ. Cháu thuộc thế hệ sinh ra cuối thập niên 80, dù có chịu chút ảnh hưởng của xu hướng âm nhạc thương mại nhưng vẫn không đánh mất trí tò mò với âm nhạc thập niên 60-70 thông qua bộ băng sưu tầm của bố cháu. Cháu rất mừng khi thấy mình biết phần lớn những ca khúc và ban nhạc mà chú liệt kê ra ở đây và có cảm giác như được kết nối với thế hệ cha chú mình vậy.
ReplyDeleteViệc khám phá ra thị trường âm nhạc miền Nam trước 1975 với cháu giống như việc khám phá ra kho báu vậy, trước mắt cháu như mở ra cả một thế giới tinh thần của giới trẻ thời chiến tranh, với chủ nghĩa hiện sinh, tình yêu hòa bình, tinh thần phản chiến... hy vọng tinh thần đó sẽ vẫn được tiếp nối tới các thế hệ sau này.
Cám ơn bạn đã góp ý kiến. Ông Vũ Văn Chính viết bài này rất hay, những sinh hoạt âm nhạc nghệ thuật của một thời ... Nhạc của những năm 60->80 khá đặc sắc, từ sau 1990 tôi cảm thấy không còn như hồi xưa nữa ...
ReplyDeleteTôi cũng có hệt cảm giác như bạn, thấy mình gần gũi hơn với các anh chị sinh những năm 50, họ quậy quá trời, nhiều khi còn hơn lứa tuổi tôi nữa.