3.04.2015

When a Child Is Born

Bạn,

Hoctro mến chúc bạn đọc một năm mới thật nhiều niềm vui và sức khỏe.

Năm nay công việc làm coi bộ nhức đầu hơn xưa vì hoctro đổi "department", không vẽ kỹ thuật nữa mà làm IT support, cũng học hỏi được nhiều thứ mới, cũng như có nhiều thời gian viết nhu liệu hơn. Và lại vẫn tiếp tục nghe nhạc không lời của Paul Mauriat để "thư giãn", tạo nhiều hứng khởi để làm việc. Bây giờ tôi không nghe chuyên nhạc Pháp nữa, mà nghe đi nghe lại từng đĩa trong 10 quyển CD tôi từ từ mang về năm vừa qua.

Có một bài này hay quá, tên là "When a Child Is Born", mà xem kỹ lại thì là nhạc vinh danh Thiên Chúa, mà tôi thì là một phật tử! Nhưng nhạc hay thì làm gì có biên giới, vì cứ đến Giáng Sinh là tôi và các con lại tưng bừng mang nhạc Chistmas ra dạo trên piano. Duy chỉ có một thắc mắc là bài này không được coi như là nhạc Giáng Sinh của Mỹ, vì trên radio không hề được nghe qua.

Trình tự phát triển của phiên khúc thật chân phương, câu 1 là một mở đầu 4 nốt và một phát triển 5 nốt từ 4 nốt ấy. câu 2 tiết tấu hoàn toàn lặp lại, chỉ có giai điệu phát triển hướng lên mà thôi. Câu thứ 3 tiết tấu hơi khác đi một chút, để rồi câu thứ 4 tiết tấu như câu đầu cũng như giai điệu trả về chủ âm. Chỉ đơn giản vậy thôi mà ông Mauriat đã dùng nhiều nhạc cụ như cello, violin, người hát "la la la" theo, cũng như hòa tấu thật trang trọng, nhiều sắc thái, cảm xúc, làm giai điệu ấy tỏa sáng với nhiều màu sắc khác nhau, lạ, đẹp và sang cả.

Đi tìm lời thì thấy cũng rất hay:

Một tia hy vọng vừa lóe lên trên bầu trời
Một vì sao bé xíu vừa tỏa sang trên tít cao kia
Khắp mọi miền bình minh vừa ló dạng
Chào đón một đứa trẻ vừa mới sanh.



Cái đặc biệt của bài này nữa, là sự đa dạng, phong phú trong nhạc ngữ, dầu chỉ có bốn câu mà thôi. Ý nhạc bày tỏ rõ rệt một điều gì đang xảy ra, hay một ước muốn nào đó, rồi câu thứ ba phát triển tột độ ước muốn này, cộng những khà năng của ước muốn sẽ đem lại trong tương lai. Và câu bốn là một khẳng định chắc chắn là ước vọng sẽ được hoàn thành. Là một cái kết rất hậu.

Đó là do một nhạc đề gợi mở: Do Fa Sol La, nhịp chính rơi vào nốt Fa, là nốt chủ âm Fa trưởng của bài. Tiếp theo sau là Sol La Si Mi Fa, cũng hoàn toàn thuần trưởng và rơi vào chủ âm, nghĩa là đã có sự khẳng định rồi. Câu tiếp theo là một khai triển của câu một với bốn nốt rải xa tạo thành một cung quãng 8: Do Fa La Do, Re Mi Re La Sol. Câu thứ ba có tác dung chơi vơi vì tất cả hầu nằm trên nốt Do: Re Do Re Do Si, Mi Fa Sol Mi Do. Nốt Do rơi vào hợp âm La thứ tạo ra một cảm xúc mênh mang. Sau đó hợp âm tiến về Dm, C7 và chủ âm Fa: La Sol Fa Do, Sol La Si Mi FaBạn thấy là cái kết rất "ngọt", rất hiển nhiên, vì năm nốt Sol La Si Mi Fa đã được báo trước ở cuối câu 1! Thật là tài tình. Khi ta nghe câu thứ nhất với năm nốt này, ta thấy một phát triển câu hoàn hảo mà thôi. Nhưng khi khéo léo lặp lại, năm nốt ấy có một tác dụng khẳng định thật tuyệt diệu, ý như là "tôi bảo anh rồi!" (I told you so).

Con gái lớn của tôi cũng bị nhiễm cái tật mê nghe nhạc Paul, vì chưng sáng nào tôi cũng cho hai con nghe trong khi chở chúng đi học, cháu nói vài nhận xét tôi rất thích. Cháu nói là bài này hay quá rồi, nên Paul chỉ cho ca sĩ hát "la la la" là đủ rồi, có them chữ cũng bằng thừa. Cháu nói đoạn cello giữa bài hay quá, ban nhạc thật tài nghệ.

Bài này là một nguồn phong phú để những người học viết nhạc tập đặt lời. Mỗi đoạn 4 câu dùng một ý, y như cách viết trong bài tôi dịch từ sách của bà Sheila Davis: Quy tắc sáng tác lời cho một bản nhạc . Câu cuối phải là tựa bài, ý chủ đạo của bài, vì chỗ đó rất "hot", như đã vừa phân tích.

Tôi sáng tác thử một đoạn:

Trời xanh cao vút, bầy chim én lượn nhanh,
Nhành mai trước ngõ, khoe sắc hương hiền lành,
Có ai đó đang vui, mặc áo mới lụa là,
Sắc môi hồng thắm, Mừng xuân mới vừa sang!

Nào, đến lượt bạn đó, thử sang tác nhạc đi, bắt đầu bằng tập sang tác lời. Bạn thấy câu 2 có chữ hiền lành thiệt dở, nhưng vì có vần nên tôi tạm để đó "xí chỗ" (place holder:-)

Chúc bạn một ngày vui và hẹn gặp lại kỳ tới.

4 March 2015
Học Trò

No comments:

Post a Comment

Học Trò: Lại bàn về cách tạo dựng một ca khúc

Trong một số tiểu luận trước đây, tôi góp nhặt những gì mình tự học hỏi, mong tìm ra một phương thức để sáng tác một bản nhạc. Khởi đi từ nh...