1.01.2019

Phân tích bài "Không nhìn nhau lần cuối" của nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Bạn,

Không nhìn nhau lần cuối có lẽ là một trong những bài nhạc sáng tạo nhất của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Nhạc phẩm này vừa có nhiều đoạn nhạc với cung nhạc đặc sắc, mà câu chữ cũng gập ghềnh. Ngoài ra LUP còn đổi mạch nhạc từ La thứ sang La trưởng một cách thật tân kỳ, ngay giữa một cụm từ (phrase) trong đoạn nhạc thứ hai.



Xem nhạc tờ: https://nguyenthoai.files.wordpress.com/2017/10/khong-nhin-nhau-lan-cuoi-le-uyen-phuong.pdf
Nghe trên Youtube: https://youtu.be/AdHqVIKaHqE?t=19m53s


Bài nhạc mở đầu bằng một cụm từ tám chữ, sau đó giảm liền xuống còn 6 chữ làm thính giả cảm thấy hụt hẫng. Câu nhạc sau đó phát triển thêm một chút nữa với một cụm từ gồm 2 + 6 = 8 chữ. Đây chính là một kinh điển của lối đặt phiên khúc như là một đoạn (period), trong đó nhạc sĩ nêu nhạc đề, rồi thay vì lặp lại nhạc để ấy, ông khai triển thêm lên tới hết nửa đầu phiên khúc.

Thôi đành / giã từ / niềm vui / mong manh
Chung đường / tình đi / loanh quanh
Đến nay / bước chân đã bơ vơ rồi


Vì tới đây nhạc đề đã bị loãng, nó được lặp lại ở nửa sau và làm gọn lại cho tròn đoạn thứ nhất.

Thôi đành / cúi đầu / phận người / long đong
Xa nhau / như nước xa nguồn
Một lần / niềm vui tìm đến / rồi mãi mãi xa

Ở đoạn nhạc thứ hai, sau nhạc đề phụ (motive-form) lấy từ tiết tấu 4 chữ liên tiếp của đoạn một, ta thấy hòa âm chợt biến đổi sang E7 rồi chuyển sang âm giai La trưởng, tạo cho thính giả một cảm giác khác lạ. Riêng câu nhạc “đừng nhìn nhau, mắt hoen lệ nhòa” được khéo léo chẻ ra thành 3 + 4 = 7 chữ và trở thành một nhạc đề phụ, sẵn sàng để được lặp lại và khai triển tiếp. Câu “đừng nhìn nhau”cũng đã tạo thêm khả năng viết câu ba chữ sau này.

Em ơi / em ơi quay đi
Để cho chia lìa / lần này / dài phút xót xa
Đừng nhìn nhau / mắt hoen lệ nhòa  (nhạc đề phụ)
Đừng bùi ngùi khóc / tim se môi chùng
Đừng ôm đớn đau / khi tình đã xa

Thế rồi, nhạc sĩ chủ ý thay đổi vài chi tiết nhỏ, làm câu nhạc mất cân bằng. Ta thấy câu đầu ba chữ “cuộc tình ấy” có dấu tích của nhạc đề phụ, nên được hát lên thật tự nhiên, không gượng ép gì cả.

Cuộc tình ấy / như mây qua trời
Kỷ niệm ngày ấy / chung vui bên đồi
Đừng ôm đớn đau / khi tình đã rồi

Đoạn thứ ba, ý nhạc thật lạ vì không giống như hai đoạn đầu, vậy mà nghe vẫn rất xuôi tai. Đoạn nhạc xây lên những câu nhạc đầy kịch tính, rồi hóa giải bằng hai câu sáu chữ và câu cuối tám chữ.

Đâu có ai biết / mai sau?
Đâu có ai mãi / thương đau?
Đâu có ai phải / muôn kiếp thương nhau?

Bài nhạc được kết bằng cách lập lại đoạn một và hai. Nhìn qua cả bài nhạc, ta thấy các câu hai, ba, bốn, sáu chữ được dùng thật mạch lạc. Cả nhạc phẩm do đó đã hội đủ ba điều kiện cần thiết của một bản nhạc: lô gíc, mạch lạc, và tính lĩnh hội, mà tôi đã kể ra trong tiểu luận “Giải mã lề lối soạn nhạc qua dòng nhạc Trịnh Công Sơn”.

...

***

Bài viết Phân tích bài "Không nhìn nhau lần cuối" trên được trích trong tái bản mới nhất 1/2019 của ebook "ABBA, Paul Mauriat và những mẩu chuyện khác về âm nhạc." Còn nhiều chi tiết khác đặc sắc về lề lối sáng tác nhạc cùng những say mê tìm tòi nghe nhạc thủa ấu thơ của nhạc sĩ Lê Uyên Phương trong bài viết thứ #51 ấy. Mời bạn đến link sau để tải về quyển sách trên.

https://hoctroviet.blogspot.com/p/ban-oc-quy-men-quyen-ebook-ban-sap-xem.html

Thân ái chào bạn đọc và chúc bạn một Năm Mới 2019 an khang, thịnh vượng và nhiều sức khỏe.

Học Trò

No comments:

Post a Comment

Google Translate!!!

Từ một hình ảnh bìa sau một dĩa nhạc, tiếng Anh: Sau khi "drop" nó vào Google Translate thì nó sửa hình rồi điền vào chữ Việt!!!! ...